I. LỊCH SỬ DÒNG TU TIẾP HIỆN
Dòng tu Tiếp Hiện được thành lập bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1966 tại Việt Nam . Lúc bấy giờ, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang leo thang. Thiền sư chủ trương phải đem tuệ giác đạo Bụt áp dụng vào trong cuộc đời, để giúp con người vơi bớt khổ đau, và có hướng đi trong cuộc sống. Dòng tu Tiếp Hiện gồm có bốn chúng: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam và tại gia nữ. Ngày 5 tháng 2 năm 1966, thiền sư Nhất Hạnh đã truyền mười bốn giới Tiếp Hiện cho sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên gồm có ba vị tại gia nam và ba vị tại gia nữ, tại Chùa Pháp Vân, Gò Vấp. Trong ba vị nữ, có chị Nhất Chi Mai, người đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình một năm sau đó vào ngày 16.5.1967.
Người xuất gia hay tại gia đều có thể gia nhập dòng tu này. Sự tu tập trong dòng tu được hướng dẫn bởi mười bốn giới Tiếp Hiện. Hiện nay, sau gần bốn mươi năm có mặt, dòng tu Tiếp Hiện đã được phát triển rộng trên nhiều quốc gia, nhất là các nước Tây Phương.
Để thích ứng với nhu cầu thực tập tâm linh của con người hôm nay, nhất là ở Tây Phương, giới Tiếp Hiện cũng được gọi là phép thực tập chánh niệm. Mười bốn phép thực tập chánh niệm Tiếp Hiện được dịch sang tiếng Anh là Fourteen Mindfulness Trainings of the Order of the Interbeing.
II. Ý NGHĨA CỦA CHỮ “TIẾP HIỆN”
Chữ Tiếp Hiện có nhiều nghĩa. Trước hết là chữ Tiếp, chữ tiếp có ba nghĩa:
- Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận từ ai và tiếp nhận cái gì? Mình tiếp nhận từ tổ tiên những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Mình tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác đó là vốn liếng. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại. Ví dụ khi thầy ngồi thỉnh chuông mình có thể học cách thỉnh chuông của thầy. Ấy vậy mà xuất gia được hai, ba năm rồi mà mình thỉnh chuông vẫn chưa được. Tiếng chuông của mình còn chát hoặc bế tắc. Đó là do mình không chịu quan sát để tiếp nhận. Người cư sĩ hay xuất sĩ cũng vậy, khi mình thực sự có mặt đó, khi mình được thân cận Thầy hoặc người anh, người chị trong đạo, thì mình có thể học hỏi rất nhiều, có thể tiếp nhận được rất mau chóng. Cách của Thầy đi, đứng, tiếp xử, đó là Thầy đang trao truyền cho mình, mình chỉ cần quán sát là tiếp nhận được. Mình tiếp nhận được từ Bụt, từ Tổ, từ Thầy, từ những người đi trước. Có khi những người tới sau mình nhưng họ đã tiếp nhận được trước mình và mình phải bắt chước những người đó, phải tiếp nhận, học hỏi từ cả những người nhỏ hơn mình. Tiếp nhận ở đây là tiếp nhận một gia tài, gia tài này không phải là tiền bạc, châu báu, mà là gia tài chánh pháp. Mình hãy thử đặt câu hỏi là mình đã tiếp nhận được bao nhiêu? Thật sự là chư tổ rất muốn cho, rất muốn trao truyền nhưng tại mình không chịu tiếp nhận hoặc không có khả năng tiếp nhận mà thôi. Cũng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói rằng: “Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”, làm phụ lòng người cho. Thành ra sự học hỏi, sự hành trì là một quá trình tiếp nhận. Mình phải có mặt để tiếp nhận và khi đã tiếp nhận rồi thì mình mới tiếp nối được. Vì vậy cho nên nghĩa đầu tiên của Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận rồi thì mình hành trì, sử dụng, nuôi dưỡng.
- Nghĩa thứ hai của chữ Tiếp là tiếp nối. Tiếp nối ai? Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối tổ tiên. Một người con có hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy. Và nếu mình muốn tiếp nối được thì mình phải tiếp nhận cho được. Tiếp nhận chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, chư Tổ và từ Thầy.
- Nghĩa thứ ba của chữ Tiếp là tiếp xúc. Tiếp xúc với cái gì? Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và chung quanh mình. Nếu không thì uổng cả một đời người. Nhưng muốn tiếp xúc với sự sống thì mình phải có mặt đó mới tiếp xúc được. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn dậy. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân và nỗi khổ niềm đau có trong hoàn cảnh, gia đình và xã hội của mình. Một khi đã hiểu được những nỗi khổ, niềm đau của bản thân, của gia đình và xã hội rồi thì mình mới biết mình cần phải làm cái gì và không nên làm cái gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, thứ hai là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa. Chữ Tiếp có nghĩa như vậy.
Chữ Hiện có bốn nghĩa:
- Chữ hiện, trước hết có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.
- Nghĩa thứ hai của chữ hiện là hiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì mình đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái mình đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v... Tất cả những cái đó mình phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái mình đang thấy và mình phải tiếp xúc. Mình không ở trong tháp ngà của sự tưởng tượng, của sự lý luận, của chủ thuyết. Mình phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ mình có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên mình mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp Lạc Trú là pháp môn sống an lạc từng phút giây trong hiện tại.
- Nghĩa thứ ba của chữ hiện là thực hiện, là làm cho mong muốn trở thành ra cụ thể. Sự tu chứng của mình cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của mình là đạt tới tự do. Mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Mình muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên mình muốn xé toang những tấm lưới của sự đam mê, thù hận, ghanh tị đang giam hãm mình. Những chiếc lưới ấy nó đang cuốn lấy mình và mình không muốn kẹt vào những chiếc lưới đó, mình muốn thoát ra. Những vị xuất gia thực tập như những con nai vượt thoát những bẫy sập, tung tăng chạy nhảy khắp bốn phương. Đó là lời khen ngợi của một vị thiên giả khi thấy các thầy, các sư cô rong chơi không bị vướng vào lưới này hay lưới khác. “Như nai thoát bẫy sập. Chạy nhảy chơi bốn phương.” Trong kinh Bụt nói như vậy. Đây là một kinh rất ngắn trong A Hàm. Một mùa hè nọ, có một số các vị xuất sĩ an cư trong một khu rừng. Các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất hạnh phúc suốt ba tháng trời. Trong khu rừng đó có một số vị thiên giả cảm thấy rất hạnh phúc vì thừa hưởng được sự có mặt của các vị xuất sĩ. Nhưng sau ba tháng an cư, các vị xuất sĩ bỏ đi đâu hết, khu rừng trở nên vắng tanh, rất buồn. Có một vị thiên giả thấy vậy lấy làm buồn và ngồi khóc. Mội vị thiên giả khác hỏi: “Tại sao anh ngồi buồn khóc vậy?”, vị thiên giả kia trả lời: “Tại vì ba tháng vừa qua có một số các vị xuất sĩ an cư ở đây, các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất bình an và vui quá. Vậy mà bây giờ các vị ấy bỏ đi đâu hết rồi. Họ đi đâu vậy?” Vị thiên giả kia trả lời: “Họ đi Kosala, đi Vaisali, v.v… Họ là những con người tự do, như là những con nai thoát khỏi bẫy sập. Họ chạy nhảy tung tăng khắp bốn phương. Đệ tử của Bụt tự do, hạnh phúc như vậy đó.” Kinh đó là một kinh rất ngắn, trong đó có các câu là:
“Như nai thoát bẫy sập.
Chạy chơi khắp bốn phương.
Tỳ kheo đệ tử Bụt.
Thảnh thơi là như thế.”
Thực hiện không phải là xây cất một cơ sở. Dù là Viện Phật học ứng dụng Châu Âu cũng chưa phải là sự thực hiên quan trọng nhất. Thực hiện, đó là sự tu chứng. Cái chính của người tu là phải thực hiện sự tự do. Đó là chủ đích, là hướng đi của người xuất gia.
Là học trò của Bụt, dù là xuất sĩ hay cư sĩ, mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, ràng buộc, mình muốn có tự do thì mình phải dụng công thực tập. Chính công phu thực tập hàng ngày đó là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng cho mình thoát khỏi những chiếc lưới của địa vị, danh lợi, tham ái. Cái mình đi tìm là sự giải thoát, tự do.
- Nghĩa thứ tư của chữ hiện là hiện đại hóa, tiếng Anh dịch là actualization. Nghĩa là những pháp môn phải khế cơ, khế lý, phải thích hợp với thời đại.
III. NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀO DÒNG TU TIẾP HIỆN
Trong một Tăng Thân tại gia, có hai chúng để duy trì sinh hoạt của đoàn thể, đó là chúng chủ trì và chúng đồng sự. Hai chúng cùng tu tập và hành trì những pháp môn giống nhau. Sự khác biệt của hai chúng là chúng chủ trì mang trên mình một số trách nhiệm, mang tính cách tổ chức và hướng dẫn cho đoàn thể tu tập, làm cho tăng thân sống hòa điệu và đi cùng nhau như một dòng sông. Chính vì vậy mà chúng chủ trì hoàn toàn là những thành viên Tiếp Hiện. Trong khi đó chúng đồng sự vì còn mới mẻ, hoặc có những bận bịu cá nhân, chưa đủ thời gian và năng lực để cùng đóng góp xây dựng tăng thân. Những vị này vẫn thường tu tập 14 giới, nhưng chưa chính thức thọ trì.
Khi một thành viên trong chúng đồng sự cảm thấy bản thân muốn dấn thân gánh vác một chút công việc để xây dựng tăng thân; muốn đào sâu hơn về con đường mà mình đang thực tập, đặc biệt là muốn hiểu và hành sâu sắc về 14 phép thực tập chánh niệm. Vị nầy liền đưa nhu cầu lên với những người có trách nhiệm trong tăng thân, và tùy theo hoàn cảnh mà được sự giúp đở và sắp xếp.
Dưới đây là một vài tiêu chuẩn cần có cho một người muốn chính thức tham dự vào dòng tu Tiếp Hiện:
1.Giới tử phải trên 18 tuổi
2.Đã thọ trì 5 giới và 3 sự quay về
3.Đang thực tập cùng Tăng Thân
4.Thực tập 60 ngày chánh niệm trong một năm (ngoài những ngày trong khóa tu mình tham dự, chúng ta có thể tính những ngày tụng giới, và những ngày ở nhà nhưng thực tập tinh thần chánh niệm)
5.Được tăng thân nâng đở và hướng dẫn trong vòng 1 năm
6.Sẵn sàng tham dự vào việc sinh hoạt và xây dựng tăng thân
Sau một thời gian được Tăng Thân hướng dẫn (một năm), phần lớn đều được mời thọ giới Tiếp Hiện. Tiêu chuẩn để được chấp nhận là vấn đề khó khăn khi đặt ra vì mỗi tăng thân đều có những sinh hoạt riêng biệt. Những yếu tố để quyết định cho ngươì được bước vào dòng tu cũng theo đó mà khác đi. Tuy nhiên chúng ta có thể lấy một vài điều căn bản như một tiêu chuẩn thích hợp cho một vị chuẩn Tiếp Hiện trước khi bước vào dòng tu
1.Tu tập vững chải, có khả năng chuyển hóa khổ đau của mình, biểu hiện được sự thực tập trong cách sống hàng ngày
2.Có tấm lòng rộng mỡ, lưu tâm đến nhu yếu của người khác
3.Đang cố gắng thực tập sâu sắc về 14 phép thực tập chánh niệm
4.Có khả năng chia sẽ sự thực tập của mình với người khác
5.Tham gia đều đặn sinh hoạt của tăng thân và gia đình Tiếp Hiện
6.Đóng góp năng lực để xây dựng tăng thân
IV. ĐƠN XIN THỌ GIỚI
Dưới đây là một số chi tiết về một đơn hoàn chỉnh để xin thọ giới Tiếp Hiện:
1.Đơn xin thọ giới (đơn sẽ được gởi đến cho người đại diện tăng thân từ thầy Pháp Hải hoặc thầy Pháp Trí)
2.Một lá thư giới thiệu của người hướng dẫn (mentor)
3.Một lá thư giới thiệu của một hay nhiều giáo thọ
4.Một lá thư giới thiệu của người bạn cùng tu trong tăng thân
5.Một lá thư viết cho sư ông Nhất Hạnh nói lên khác khao thọ giới của mình. Lá thư này nên nói rõ sự thực tập của mình trong quá khứ và sự sẵn sàng tham gia xây dựng tăng thân trong tryền thống Làng Mai.
6.Một điệp thọ ngũ giới hoặc ngày tháng năm và Pháp Danh mình đã thọ
V. 14 GIỚI TIẾP HIỆN (14 PHÉP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM)
Đây là Giới Thứ Nhất:
Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.
Đây là Giới Thứ Hai:
Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể cởi mở và đón nhận tuệ giác và kinh nghiệm của người khác. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch, và tuệ giác chân thực chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
Đây là Giới Thứ Ba:
Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức kẻ khác vâng theo ý kiến của mình, con nguyện không ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan điểm của con, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải dùng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
Đây là Giới Thứ Tư:
Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con biết rằng sự thật thứ tư là đạo đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được tự tánh của sự thật thứ nhất là khổ đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.
Đây là Giới Thứ Năm:
Ý thức rằng hạnh phúc chân thực không thể đạt tới được bằng tiền tài và danh vọng mà chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình. Con nguyện tập sống giản dị và học chia sẻ thì giờ, khả năng và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn.
Đây là Giới Thứ Sáu:
Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra đau khổ cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc và đối xử với năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con và phương pháp quán chiếu để nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành ngoài trời để chăm sóc tâm niệm sân hận và oán thù của con bằng năng lượng chánh niệm và để nhìn sâu vào bản chất của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con cũng nguyện sẽ học hỏi nhìn sâu vào tự tánh của người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của con và để có thể nhìn được người ấy bằng con mắt từ bi.
Đây là Giới Thứ Bảy:
Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, và ta chỉ có thể sống an lạc ngay trong giây phút ấy, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con nguyện thực tập giáo lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con, để liên tục gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con, làm động lực chuyển hóa chiều sâu tâm thức và đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.
Đây là Giới Thứ Tám:
Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét và chỉ trích và không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Con nguyện tu tập để tái lập sự truyền thông giữa con và mọi người khác, và đề giúp giải quyết mọi vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.
Đây là Giới Thứ Chín:
Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện luyện tập để chỉ nói những lời nói chân thật có tác dụng hòa giải, gây niềm tin tưởng và hy vọng. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù, không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể đem lại sự đe dọa cho sự an thân của mình.
Đây là Giới Thứ Mười:
Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác và từ bi, con nguyện không bao giờ lợi dụng đạo Bụt và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị. Tuy nhiên, con nhận thức rằng các đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về những tình trạng áp bức và bất công xã hội và có thể sử dụng ảnh hưởng mình để chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái.
Đây là Giới Thứ Mười Một:
Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bạo động và bất công, con nguyện thực tập chánh mạng, quyết tâm không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên, không đầu tư vào những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác. Con nguyện chọn một nghề có thể giúp con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt.
Đây là Giới Thứ Mười Hai:
Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, hiểu biết và thương yêu. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hòa bình và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết, và thường xuyên quán chiếu với tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chận chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Đây là Giới Thứ Mười Ba:
Ý thức được sự khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài.
Đây là Giới Thứ Mười Bốn:
(Dành cho Tiếp Hiện Tại Gia)
Ý thức được rằng sự tìm tới và phối hợp giữa hai cơ thể do sự thúc đẩy của dục tình không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn của con người mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm vói những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết. Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con ý thức được trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.
SƠ LƯỢC DÒNG TU TIẾP HIỆN
I. LỊCH SỬ DÒNG TU TIẾP HIỆN
II. Ý NGHĨA CỦA CHỮ TIẾP HIỆN
III. NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀO DÒNG TU TIẾP HIỆN
IV. ĐƠN XIN THỌ GIỚI
V. 14 GIỚI TIẾP HIỆN (14 PHÉP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM )
Chúng ta có một lò lửa ở trong tâm nhưng cũng có một đóa sen thật tươi, thật mát trong tâm... lò lửa có thể biến thành đóa sen hồng. (Giếng Nước Thơm Trong - Thích Nhất Hạnh)
Tăng Thân Bồ Đề
© 2010 Bodhi Community of Mindfulness links: | Magnolia Village Monastery | Plum Village | Làng Mai | Deer Park Monastery | Blue Cliff Monastery | European Institute of Applied Buddhism | Plum Village Foundation Hong Kong | Thai Plum Village | Thư Viện Thích Nhất Hạnh | Wake Up | In the Footstep of the Buddha | Mindfulness Bell | Parallax Press | Lá Bối | International Sangha Directories | Village Des Pruniers