Có lẽ vì là vùng đất Thánh, nên mọi kế hoạch từ thiện của tôi tại đây đã biến thành các Phật sự mầu nhiệm. Việc đầu tiên là tôi quyết định không ở khách sạn, xin về lưu trú tại một ngôi chùa Việt Nam có thời khóa tu học: tụng kinh lúc 4 giờ sáng, 5 giờ nghe thuyết pháp và 6 giờ ăn điểm tâm. Chùa đang xây dựng nên chưa có phòng cho Phật tử vãng lai. Chùa được dựng tạm lên bằng những tấm tolle, vách hở nên gió và bụi bay vào, nằm bên cạnh đồng ruộng nên có nhiều chuột. Những con mèo hoang trong làng vào chùa rượt chuột chạy rầm rầm cả đêm. Mặc dù là tuổi chuột nhưng tôi rất sợ Chuột. Ngày đầu khi về phòng, tôi co chân ngồi trên giường và bỏ mùng xuống để các “cô”, “chú” ham rượt nhau không tông vào tôi. Những lúc như vậy thì tôi trì chú Đại Bi, khi tâm dịu xuống thì tôi ngồi yên theo dõi hơi thở. Tôi quán tưởng hình ảnh ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện vào rừng lang thang một mình, sống hòa đồng với thú dữ, chịu cảnh màn trời chiếu đất, rừng sâu nước độc. Hình ảnh con đường tìm đạo 2.500 năm về trước của đức Phật với nhiều chông gai và thử thách giúp tôi vượt qua được khổ thọ khi phải sống chung với mấy chú Chuột trong chùa. Và hình như các Chú các Cô cũng cảm được cái “oán tắng hội khổ” nên chỉ ba ngày sau, các chú mèo và chuột, rút hết ra khỏi phòng, qua tạm cư ở những căn nhà kho không có người xử dụng.

Tôi còn nhớ vào năm 1997, cũng nhờ quán tưởng cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông mà tôi đã leo lên được đỉnh núi Yên Tử. Lúc đó đường lên núi chưa có dây cáp, chồng tôi và tôi được Ni sư Như Minh cho đi tham quan núi Yên Tử. Khi leo lên giữa núi, nhìn thấy bên trái vách núi cao chọc trời, bên phải thì vực sâu thăm thẳm. Tôi tự trách mình sao lại tìm đến những nơi nguy hiểm, lỡ trượt chân mất mạng thì thật là khờ khạo biết bao. Để trấn an tâm sợ hãi và những suy nghĩ dại dột, tôi mang hình ảnh vua Trần Nhân Tông ngày xưa một mình lên núi ra để giúp tôi có thêm năng lực tiếp tục lên đường.  Khi tôi bước trên rễ lớn của những cây thông bắt ngang làm thành bậc đi lên, tôi nghe kể lại rằng, những hàng Thông nầy là do Vua Trần Nhân Tông trồng trong thời gian ở đây, tôi bắt đầu bước những bước chân vững chãi hơn, ý thức rõ con đường với những kỷ niệm của người xưa để lại. Những bước chân của tôi hôm nay có lẽ đã dẫm lên những bước chân của Ngài hơn 700 năm về trước.  Bao nỗi sợ hãi trong lòng tan biến, tôi không còn bị ảnh hưởng của địa thế núi rừng hiểm trở, mà chỉ còn lại ý thức của mỗi bước chân đi và hình ảnh tuyệt vời của một lão tăng, đầy dũng khí.

Trở lại câu chuyện Xứ Phật, sau khi được thoải mái vì không phải sống chung với các chú Chuột, tôi đối đầu với thức ăn khó nuốt. Thức ăn khô trong chùa được quý Phật tử Việt Nam cúng dường mang theo trong các chuyến hành hương. Nhiều lần họ đem được vào Ấn Độ rồi nhờ người chuyển về chùa, vì vậy có những thức ăn khô 2 năm sau mới đến được chùa. Những gói mì ăn liền bị bể vụn do di chuyển qua nhiều nơi, những lần vo gạo và nếp tôi thấy nhiều hạt nổi lên vì mọt ăn rỗng ruột. Ngôi chùa nầy thuộc hệ phái Khất sĩ, nên mỗi ngày chỉ ăn hai bữa: sáng và trưa, trước giờ ngọ. Khi món ăn được lập đi lập lại mỗi ngày làm tôi bắt đầu khó nuốt, nhưng nghĩ đến sức khỏe và thời tiết khắc nghiệt mùa Đông xứ Ấn, tôi phải nghĩ ra cách đưa thức ăn vào cơ thể. Bài pháp ăn trong chánh niệm của Sư ông Làng Mai đến ngay với tôi để cứu vãn tình huống. Tôi nhớ lại, trong khóa tu mùa Đông năm 1993, trong giờ ăn sáng Sư ông dạy mọi người nhai mẩu bánh mì ít nhất là 50 lần và chỉ nhai bánh mì thôi, vào giờ trưa Sư ông lại nhắc nhở rằng mỗi miếng thức ăn đưa vào miệng chúng ta nhai ít nhất là 80 lần, chúng ta đếm từng lần nhai với ý thức rõ ràng, nương theo hơi thở nương theo số đếm, và chỉ nhai thức ăn mà thôi, không nhai bất cứ cái gì khác. Khi cắn phải miếng đậu que thì ta biết ta đang cắn miếng đậu que, không cắn những nỗi buồn, cơn giận, những dự án ... Nhớ lại những lời sư ông dạy tôi đã nhai từng lát bột mì hấp và ý thức là mình đang nhai lát bánh mì hấp cho đến lúc bánh mì dẻo ra thành nước hòa lẫn với nước bọt mới nuốt xuống, không nhai miếng bánh mì dở hay ngon. Sau lần thành công nhai được thức ăn trên 80 lần và nếm được hương vị ngọt lịm của miếng bánh mì hấp mà đáng ra rất nhạt nhẽo; tôi đã tin cách ăn trong chánh niệm, giờ ăn lúc đó không còn khó chịu nữa mà là giây phút thú vị của sự thực tập thiền quán.

Hàng ngày, sau giờ ăn sáng tôi cùng thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật vào các làng nghèo để kiểm tra lại các công tác từ thiện đã làm, và tiếp tục làm thêm những công việc mới, tôi học hỏi được nhiều từ chư Tăng Ni về kinh nghiệm từ thiện trên đất Ấn. Tôi trở về trước 11 giờ trưa để kịp dùng cơm, rồi đến giờ nghĩ và xế chiều tôi và chị Diệu Thuận đi bộ ra Bồ Đề Đạo Tràng hay các chùa Việt Nam lân cận để tụng kinh chiều, ngôi chùa tôi tạm trú đi bộ đến Bồ Đề Đạo Tràng mất khoảng 20 phút.

Phật Chưa Từng Nhập Diệt

Những sợi nắng thưa dần nhường chỗ cho bóng chiều buông xuống, tôi đi vào bên trong Bồ Đề Đạo Tràng (BĐĐT) hoà nhập với tăng đoàn tu sĩ và cư sĩ từ nhiều quốc gia quy tụ về đây. Đúng là thế giới Cực Lạc. Tôi bước những bước chân chậm rãi trong chánh niệm, tìm được sự an lạc trong mỗi bước chân đi, nhịp thở điều hoà làm nở hoa dưới gót chân tôi bước, lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả. Thoáng nhẹ trong không gian thênh thang tôi như thấy linh ảnh Đức Phật đang đứng ở dưới gốc cây Bồ Đề cuối bức tường, Ngài với nụ cười nhẹ và đôi mắt từ bi nhìn tôi khích lệ. Đó không phải là mơ, không phải là sự tưởng tượng, mà là một cái cảm thọ của sự tiếp xúc chân thật phát khởi từ tâm thể trong sáng. Không phải một lần mà xảy ra vài lần trong thời gian tôi tu tập tại BĐĐT. Chỉ có những lúc tôi có sự an lạc trọn vẹn và tỉnh thức tròn đầy thì tôi mới tiếp xúc được cảm nhận mầu nhiệm đó. Tôi tin chắc rằng “Đức Phật Chưa Từng Nhập Diệt”, Pháp Thân ngài tỏa sáng khắp mọi nơi, trong bước chân tĩnh lặng tôi thấy rõ tâm thể của một người tỉnh thức; tôi đã nói câu này nhiều lần với chồng tôi trong thời gian tôi sống tại đây. Đức Thế Tôn muốn những đứa con Ngài tự thắp đuốc lên mà đi nên Ngài đã thị hiện Niết Bàn, ngài mãi mãi ở khắp nơi, ngài chưa từng rời xa cội Bồ Đề, chưa từng rời xa Khổ Hạnh Lâm, chưa từng rời xa dòng sông Ni Liên Thuyền. Chỉ cần chúng ta có sự tỉnh thức trọn vẹn thì chúng ta có thể tiếp xúc được với Ngài ngay trong từng bước chân.

Bồ Đề Đạo Tràng

BĐĐT mở cửa từ 4 sáng đến 9 giờ tối, lúc nào cũng tấp nập khách hành hương và tín đồ Phật giáo. Có rất nhiều tu sĩ Tây Tạng về đây tu học, những chiếc áo màu hỏa hoàng của quý sư chiếm đến 80% bên ngoài và trong BĐĐT. Các thánh tích Phật giáo tại vùng Gaya thường có những ngôi chùa Tây Tạng xây bên cạnh, những vị tu sĩ Tây Tạng sống trong các chùa nầy vừa chuyên hành trì, vừa lo chăm sóc thánh tích. Phật giáo Ấn Độ nếu không có hình bóng và sự đóng góp của Phật giáo Tây Tạng thì e rằng sẽ rất nghèo nàn và buồn tẻ. Trong cái khổ nạn mà Phật Giáo Tây Tạng phải gánh chịu trong 50 năm qua, lại sinh ra được cái huy hoàng của nó, đó là sự chấn hưng và phát triển Phật Giáo trên đất nước Ấn vốn đã tàn rụi từ lâu.

Vào những tháng mùa Đông, khí trời chuyển lạnh đẩy lui sức nóng khắc nghiệt, hàng đoàn tu sĩ tụ về BĐĐT để hạ thủ công phu. Hàng ngày có hàng ngàn khách hành hương có mặt bên trong BĐĐT. Trong số đó có khoảng 300 đến 400 người được gọi là tu học thường trú, tu sĩ Tây Tạng chiếm đến 90%, thời khóa mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Mỗi người chọn cho mình một pháp môn tu: trì chú, trì kinh, lễ lạy, thanh tịnh thân và tâm (purify body and mind), thiền định…. Ví như trăm dòng sông cùng đổ về biển cả, hàng trăm người an tĩnh hết lòng thực hành pháp môn của mình, năng lượng tu học hòa điệu trong không gian, không còn một sự ngăn ngại nào ngoài sự thanh tịnh tỏa rộng, thấm vào từng tế bào của cỏ cây, đất đá và hành giả.

Để tỏ lòng hỗ trợ sự tu trì của quý thầy, cô và đại chúng, thầy Thích Tánh Tuệ, sư cô Liên Thật và “MTNCD” đã cúng dường tịnh tài đến 375 vị tu sĩ thường trú. Trước giờ cúng dường, chúng tôi đứng trước linh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cầu nguyện, niệm chú Đại Bi, tụng kinh Phổ Môn. Vì có một quá trình vào ra BĐĐT mỗi ngày nên thầy Tánh Tuệ biết vị tu sĩ nào là tu sĩ thường trú để cúng dường. Tôi lễ lạy một cách thành kính từng vị trước khi dâng phong bì cúng dường. Thầy Tánh Tuệ đi theo hướng dẫn để tôi không bị sót vị nào. Hai chân tôi có lúc không còn có thể đứng lên lạy xuống, tôi quay về theo dõi hơi thở, đưa hơi thở vào ra trong mỗi hành động, khi hơi thở và hành động được hoà hợp với nhau thì tôi chỉ còn một việc là nhiếp hết tâm ý cúng dường, và nhờ vậy mà tôi đã tìm được sự bình an và tập trung cho đến lúc cúng dường vị tu sĩ cuối cùng. Dù chỉ lễ lạy trong 4 tiếng đồng hồ, vậy mà hai ngày liền cơ bắp đau nhức, từ đó tôi mới tâm phục khẩu phục công năng hành trì pháp môn “thanh tịnh thân tâm” của quý thầy Tây Tạng. Mỗi ngày quý sư đã lễ lạy khoảng 2500 lần từ 1 đến 3 tháng. Có một điều kỳ lạ là chẳng ăn uống bồi bổ mà quý sư nhìn rất khoẻ mạnh và tươi vui.

Nuôi Lớn Sự Thanh Tịnh

Hàng ngàn người vào ra BĐĐT ban ngày, còn có những đạo tràng từ các nước Á Châu, phần lớn Thái Lan, về đây đăng ký với văn phòng BĐĐT để ở lại tu từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau, gọi là trưởng tịnh (nuôi lớn sự thanh tịnh). Cá nhân cũng có thể đăng ký với văn phòng, đóng lệ phí 100 rupees để tu trưởng tịnh. Không khí thanh tịnh về đêm tại BĐĐT hoàn toàn khác với ban ngày, những người còn lại sau 9 giờ đêm là những người thật sự muốn tìm đến một sự im lặng tuyệt đối. Mỗi hành giả hành trì pháp môn riêng của mình, chọn một nơi thích hợp và nhất tâm hành trì.

Trước khi lên đường đi Ấn Độ, tôi đã sắp xếp một chương trình dày đặc để mong được thực hiện và học hỏi. Vả lại, trên 15 năm qua chúng ta đã có một quá trình ủng hộ chư tăng tu học ở các tu viện Tây Tạng, nên tôi muốn biết thực trạng của vấn đề để mong điều chỉnh cho thích hợp. Nhưng rồi, như tôi đã nói, tôi đã thật sự tiếp xúc với năng lượng an lạc của tự thân. Những ngày ở đây trở thành những giây phút yên tĩnh lạ thường, từ những bước chân thiền hành qua những khu đất nghèo văng vẳng tiếng kinh chiều của các chùa Tây Tạng cho đến những đêm thanh tịnh tọa thiền, tất cả dâng lên một khúc nhạc trầm lắng và đầy yêu thương, làm cho người qua đây không còn nhất thiết phải làm chi khác nửa.  Tôi quyết định dành thời gian để trở về với chính mình, tôi khao khát được tu, và được làm việc từ thiện trong tinh thần chánh niệm.

Vị sư phụ ngôi chùa Việt Nam, nơi tôi xin tá túc, có Phật sự đi xa, nên từ đó mỗi ngày tôi vào BĐĐT lúc 6 giờ chiều, ngồi nhìn mọi người qua lại, hay cùng các bạn đạo chia xẻ những mẩu chuyện, rồi xế tối tôi vào điện chính lễ lạy đức Bổn Sư, tụng kinh Phổ Môn và niệm chú Đại Bi. Chị Diệu Thuận kể lại rằng khi tôi nhiếp tâm tụng kinh thành tiếng rặt giọng Huế thì các sư Tây Tạng chung quanh ngưng tụng, họ nhìn tôi rồi nhìn nhau mỉm cười. Sau 9 giờ tối tôi dựng lều ngồi thiền, và bắt đầu tĩnh tọa, đến gần nữa đêm, rồi đi thiền hành đến lúc bước chân tôi đưa tôi về lều nghỉ ngơi. Thời gian vô tận và không gian thênh thang luôn có mặt nơi đây, không có việc gì cần làm, không có mục đích cần đạt, không cần rong ruổi với thời gian. Tôi đã mở tung ra được nhiều sợi dây ràng buộc trong thời gian ngắn ngủi này mà hương hoa của sự vắng lặng đó vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày của tôi cho đến hôm nay.

Cái lều của tôi được dựng chơ vơ ngoài trời ngay bên lề đường, khí trời về đêm xứ Ấn lạnh lắm, sương rơi thấm ướt tấm khăn tôi trải che gió trên đỉnh lều, khí lạnh từ lớp đá hoa cương dưới nền tỏa ra được làm ấm lại bằng một tấm chăn mỏng. Lều được thiết kế tránh muỗi, dành cho ngồi thiền chứ không phải để nằm, nhưng cũng may là tôi nhỏ xíu, nằm co lại như mình đang nằm trong bào thai mẹ trước khi ra đời, tôi hạnh phúc mỉm cười từ từ đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng những con chó hoang rượt và cắn nhau trong đêm tối. Tờ mờ sáng lúc chưa nhìn rõ được mặt nhau, những bước chân đi mạnh mẽ, những tiếng niệm chú xì xào từ các sư Tây Tạng vào BĐĐT lúc 4 giờ sáng mở đầu cho một ngày mới tu tập, đánh thức tôi dậy. Tôi lấy chăn đắp lên người, ngồi yên trong lều, theo dõi hơi thở và “thiền quan sát” sinh hoạt buổi sáng tại BĐĐT.

Thức dậy mỉm miệng cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời

Năm giờ sáng, sương còn rơi và khí trời se se lạnh, vậy mà tiếng chân người mỗi lúc một rộn ràng hơn, số người thưa thớt ban đầu dần dần trở thành từng đoàn nối chân nhau tìm đến địa điểm hành trì mỗi ngày của mình. Mặt trời từ từ hé dạng, vén nhẹ màn sương khuya, đem hơi ấm ôm ấp lên muôn vật, tôi bước ra khỏi lều và xếp gọn hành trang chuẩn bị đi ăn điểm tâm. Tại khuôn viên trước BĐĐT, dù người sang hay kẻ hèn thì cũng chỉ có hai món để điểm tâm đó là trà sữa và bánh bột mì hay bột chapatti (lúa mì). Mỗi ly trà sữa là 5 ruppes, một cái bánh bột chỉ 10 rupees (0.25 usd), đây cũng là một sinh hoạt đáng nhớ, cái thế giới mà ai cũng như ai, ngồi trên thành lề đường, sưởi ấm hai tay bằng ly trà sữa nóng và lót dạ một miếng bánh mì để chuẩn bị cho một ngày sinh hoạt mới.

Cúng Dường Ba La Mật

Một buổi sáng vào mùa lễ hội Tripitaka, BĐĐT đông nghẹt người về tham dự. Đang đi thiền hành sau thời khóa trưởng tịnh, tôi dừng lại khi nghe tiếng xôn xao khác thường từ phía cổng chính của BĐĐT. Tôi thấy nhiều Phật tử nói tiếng Hoa, có lẽ là người Đài Loan, thuê những em bé người Ấn đem bánh mì và trà sữa vào cúng dường cho bất cứ người nào đang có mặt trong BĐĐT. Họ làm việc nhanh nhẹn để kịp đem đến tặng từng người như sợ người ta đi mất khỏi tầm nhìn của họ, người nhận muốn bao nhiêu thì họ tặng bấy nhiêu, không phân biệt tu sĩ hay khách hành hương, không tính toán, không kỳ thị, không phân tích, họ trao tận tay những miếng bánh mì tươi mềm và ly trà sữa nóng hổi vừa mới rót ra. Họ đến trước mặt tôi để “cúng dường”, tôi lặng yên tiếp nhận, hơi ấm từ ly trà nóng chuyền qua lòng bàn tay theo dòng nước mắt lăn dài trên đôi má, tôi nói thầm “hạnh phúc thay … hạnh phúc thay” khi thấy con người biết sống với nhau trong biển tình thương bao la.

Chó Hoang

Buổi sáng tôi chia xẻ phần điểm tâm cho vài chục con chó. Đây là những con chó hoang, không có nhà để về, không có chủ cho ăn, bãi rác là nơi các “em” tìm thức ăn và ngủ từng bầy với nhau. Rất nhiều chó hoang. Tôi và chị Diệu Thuận mua hàng chục miếng bánh mì, xé nhỏ ra và thảy cho từng em một.

Một hôm khi đi qua làng, tôi thấy một con chó con từ đằng xa, cái đuôi ve vẫy, cái mồm sủa oang oang, “em” thuộc giống Pomerine nên rất đẹp và được nuôi đàng hoàng. Tôi đến gần, ngồi xuống chơi với “em” thì con chó bỗng nhiên ngưng sủa, ngửi quanh người tôi, rồi nhảy chồm lên liếm vào tay vào mặt tôi. Tôi thương quá, ôm “em” vào lòng, và hôn lên đầu lên má “em”, chị Diệu Thuận bảo tôi: “thôi đi mau kẻo tối”. Những hôm đầu tôi nhờ chị Diệu Thuận giúp tôi cho chó ăn bánh mì chị không nhiệt tình cho lắm.

Thế rồi mỗi ngày hai chị em cùng đi tu học với nhau, và thường có những chú chó hoang theo gót chân tôi. Một hôm tôi phát hiện có một con chó màu đen, tôi đặt tên là “Mực” đã theo tôi từ lâu lắm, tận ngoài BĐĐT. Cứ mỗi góc đường Mực lại đứng chờ, tôi rẽ về hướng nào là nó quẹo về hướng đó. Thương quá! tôi nói với chị Diệu Thuận: “Lát nữa về chùa em đứng ngoài giữ nó chị vào tìm thức ăn cho nó giúp em nghe”. Chị Diệu Thuận cản: “thôi, đừng lấy thức ăn cho chó, trong chùa không thích đâu”. Ngay sau câu nói của chị Diệu Thuận, tôi thấy Mực đến trước cổng chùa rồi quây lưng đi ra lại đầu xóm. Tôi không nói gì hết, chạy nhanh vào bếp lấy mấy miếng bánh mì cũ chạy ra thì Mực đã đi mất, tôi cầm miếng bánh mì đi tới đi lui quanh xóm, tôi gọi thầm trong tâm: “Mực ơi! con đi đâu rồi? ra đây với cô đi con” nhưng mãi mãi em không trở lại. Tôi về kể lại cho chị Diệu Thuận nghe và tỏ lòng xót xa. Từ hôm đó chị Diệu Thuận không còn ngăn cản tôi “thương chó”, chị đã phụ tôi xé bánh mì và ném ra cho từng con một. Tôi rất vui vì có lần các “em” đến đông quá, chị bảo tôi mua thêm ít miếng nữa vì còn một số “em” ăn chưa no.

Hôm nay ghi lại đây một vài kỷ niệm của những ngày hạnh phúc bên Bồ Đề Đạo Tràng như một sự chia xẻ nồng ấm với mọi người. Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553, xin dâng một đóa tâm hương với tất cả lòng thành kính lên đức Thế Tôn. Nguyện cầu cho chúng ta có đủ hùng lực để cùng nhau vững tiến trên con đường giác ngộ. Kính chúc các bật tôn túc, cùng chư tăng ni vô lượng an lành.

Tâm Tịnh An - Chân Thường Hỷ

Bây giờ rõ mặt đôi ta

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao

Kiều-Nguyễn Du


THIỀN ÔM

Tôi và mọi người trong gia đình, từ nhiều đời, đã nghĩ mình là những người theo đạo Bụt thuần thành nhưng không ai hiểu giá trị cao quý của đạo Bụt, không ai có ý niệm cần học hỏi để tu tập. Tệ hơn nữa, lúc còn trẻ tuổi, tôi có cái nhìn thiếu niềm tin về đạo Bụt, tôi cho đạo Bụt là một tôn giáo thụ động, bi quan, mê tín …

Lớn lên tôi lập gia đình. Chồng tôi khi còn là một người trẻ  12 tuổi, đã thích đi chùa, nghe Pháp, đọc sách, tụng kinh và thực tập những lời Bụt dạy. Một trong những tác giả viết bài trên các tạp chí và sách mà chồng tôi thích đọc nhất là thầy Nhất Hạnh. Hồi đó, còn ở Việt Nam, mỗi lần được ngồi gần các vị Thầy lớn, anh thường tìm hiểu về thầy Nhất Hạnh, muốn biết thầy là ai và hiện đang ở đâu!. Những lúc như vậy, anh được những thông tin gần giống nhau: thầy Nhất Hạnh là một vị tăng tài của Phật Giáo Việt Nam. Là một ngôi sao sáng với tư tưởng siêu việt nên Thầy thường bị nhiều trở ngại trên con đường hành đạo và độ đời, vì có nhiều người chưa bắt được những suy tư của Thầy. Điều làm chồng tôi buồn nhất là biết Thầy đang hành đạo tại nước ngoài và không hy vọng được trở về quê hương.

Do may mắn, chúng tôi vượt biên ra được nước ngoài, và đã có cơ duyên liên lạc được với Làng Mai, nơi cư trú của thiền sư Thích Nhất Hạnh
 
Năm 1987, chồng tôi đăng ký tham dự khóa tu năm ngày với thầy Nhất Hạnh tại Toronto. Lần đầu tiên hai đứa xa nhau nhiều ngày như vậy, anh ấy biết tôi không vui chi lắm. Năm ngày trôi qua rất chậm. Chiều hôm đó, tôi đi làm về sớm hơn, chuẩn bị một bữa cơn ngon, với những món mà chồng tôi thích, bày đẹp đẽ ra trên bàn và ngồi chờ. Kim đồng hồ điểm 5 giờ rồi 6 giờ và đến 7 giờ, mùa Đông trời sập tối rất nhanh, đã làm tôi không những mất hết kiên nhẫn mà cơn giận từ đâu đùng đùng nỗi lên. Cơm lạnh canh nguội nhưng người tôi thì nóng ran.

Tôi nghe tiếng chìa khóa mở cửa, chắc chắn chồng tôi đã về đến nhà. Nhà tôi nhỏ xíu bằng hộp diêm, không có chỗ lánh mặt chồng để che dấu sự bực tức trong người, tôi nhảy lên giường, giả vờ đang ngủ ngon, như chẳng cần phải chờ đợi ai.

Chồng tôi vào nhà, thấy mâm cơm nằm lạnh lẽo, trên giường; tôi đang trùm mền từ đầu đến chân. Chồng tôi kéo nhẹ chiếc mền ra, trong khi tôi cố giữ kín cái mền lại, anh biết tôi đang giận, vì đó là bản tánh của vợ anh. Anh tiếp tục kéo mền ra, rồi kéo luôn tôi ra khỏi giường. Tôi bực bội, tuyệt đối không thèm nói một lời. Sau đó, chồng tôi ôm tôi trong vòng tay, thở thật an định trong 3 hơi thở dài để đem hết tình thương và sự thông cảm gửi gấm cho tôi. Vòng tay nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ với sự điềm đạm của anh đã làm tôi dịu lại. Trong giây phút đó, tôi cảm nhận được một nguồn năng lực của tình thương và sự an ổn từ chồng tôi. Dù không đáp ứng, không ôm lại anh nhưng rõ ràng là tôi đã từ từ hết giận. Có cái gì đó khác lạ trong cách anh ta ôm tôi lần nầy.
 
Cơn giận trở lại với tôi khi chúng tôi chuẩn bị ngồi xuống dùng cơm. Tôi thắc mắc tại sao ảnh đi hết năm hôm, ngày cuối cùng còn không lo về sớm để ăn cơm chiều với gia đình, lang thang ở đâu đến hơn 7 giờ mới đến nhà? Anh cho biết nhiệm vụ của anh là dùng xe van chở một số quý bác lớn tuổi lên trại thiền. Khi về thì nhiệm vụ của anh là chở các cụ đến trạm subway Spadina để theo xe điện ngầm về nhà. Anh nghĩ các cụ đi xa nhà nhiều ngày đã mệt, trời thì lạnh mà phải tay xách tay ôm, về đến nhà con cái  thấy cha mẹ vất vả như vậy rồi đau lòng, lần sau không cho các cụ đi dự khóa tu thì tội lắm, nên anh ấy tình nguyện đưa từng cụ về đến tận nhà. Tôi nghe câu chuyện như vậy thì vui vẻ “tha thứ” việc đi về nhà trễ giờ của anh. Bất chợt nhớ lại điều vừa xảy ra, tôi hỏi anh tại sao anh lại “ôm” tôi một cách lạ lùng như vậy, và cái ôm đó đã làm cơn giận tôi dịu xuống để có bình tĩnh mà nghe anh giải thích sự việc.

Như mở cờ trong bụng, mặt anh rạng rỡ, kéo tôi ngồi xuống bàn, vừa ăn cơm anh vừa kể lại những diễn tiến trong 5 ngày tu học. Anh cho biết 2 ngày đầu anh muốn bỏ khóa tu để về nhà, vì không khí hình như căng thẳng khi mọi sinh hoạt đều chậm lại và nhất là không được nói chuyện. Anh nói thiền sinh nào vượt qua được 2 ngày căng thẳng đó thì những ngày sau người đó sẽ tìm được hạnh phúc của sự thảnh thơi và an lạc. Anh học được rất nhiều pháp môn thiền tập trong mọi sinh hoạt hàng ngày mà trong đó có một phép thực tập để nhận diện và trân quý người thương và tình bằng hữu, đó là pháp môn “Thiền Ôm”. Một pháp môn tu mới lạ, mà ai đó, nếu chưa một lần thực tập, chỉ nghe qua lời giải thích, thì khó chấp nhận và hiểu được.

Ngày cuối của khoá tu Thầy hướng dẫn mọi người thực tập “Thiền Ôm”, đây là phương pháp thực tập để tăng thêm sự truyền thông giữa người và người, giữa thành viên trong gia đình. Khi ôm người thân, mình thở ba hơi với chánh niệm, mỗi hơi thở mình ý thức rõ ràng sự có mặt của mình và người thân, đang thực sự còn đó, trong giờ phút hiện tại. Cuộc đời vô thường và vội vã, nếu không ý thức minh mẫn về những người thân thương bên cạnh thì một mai khi vô thường đến, mình sẽ sống với nhiều tiếc nuối. Một người có đầy đủ năng lực chánh niệm có khả năng gởi gấm năng lượng an lạc và giải thoát qua cái ôm của mình. Người được ôm cảm nhận sâu sắc nguồn năng lực tuyệt vời của chánh niệm. Ôm được người thân trong tay và thở được ba hơi thở chánh niệm thì mối quan hệ có khả năng hàn gắn và cơ hội thông cảm nhau rất lớn, vì tiếp xúc bằng cái ôm là một loại ngôn ngữ truyền thông rất quan trọng khi nói về tình thương.  Khi nghe Thầy hướng dẫn trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, chồng tôi nếm được hương vị mầu nhiệm của tình thương có mặt trong anh và trong người thân khi thực tập phương pháp này, đã về thực hành ngay khi tôi lên cơn giận và đã cho vợ chồng tôi có niềm tin vững vàng trong pháp môn này.

Sau này tôi theo chồng tu tập, tôi biết rõ hơn “thiền ôm” là một pháp môn tu mà cũng là một nghi lễ, có thể thực hành trong những lễ lớn như lễ Bông Hồng Cài Áo, lễ hội Đầu Năm, lễ Giải Oan cho người thân, lễ Cưới Hỏi, lễ Cầu Siêu .v.v… Mọi người được thanh lọc thân tâm và ý thức minh mẫn sự có mặt của nhau, đem tình thương và sự hiểu biết gởi gấm qua vòng tay với hơi thở đầy chánh niệm.

Tịnh An
Mùa Thu Toronto
 

Sau khi ra nước ngoài, mỗi lần đọc lại bài thơ Mất Mẹ là lòng tôi nặng trĩu, quặn thắt, có một điều gì đó vấn vương trong lòng, làm tôi thấy mình sống chưa trọn vẹn với Cha Mẹ.
 
ƠN NGHĨA SANH THÀNH
 
Năm 1994, vợ chồng tôi quyết định xin nghỉ làm không ăn lương 1 năm, về Việt Nam để chăm sóc Cha Mẹ, Ba tôi đã mang bệnh lâu năm và có lẽ không còn sống lâu với gia đình nữa, ông cụ năm ấy thọ được 84 tuổi.
 
Về lại quê hương, nhà chưa có người làm, tôi phụ giúp mọi công việc: dọn dẹp, nấu ăn, giặt áo quần .... Ba Mẹ tôi hài lòng khi thấy vợ chồng tôi về lo cho ông bà.  Chúng tôi quanh quẩn và làm việc trong nhà, tôi cần gì thì có chồng tôi giúp cho một tay: bưng thau áo quần lên sân thượng phơi, phụ giặt khăn trải giường, mền, mùng … Chúng tôi vừa làm vừa trò chuyện hay cười đùa với nhau, Mẹ tôi để ý rồi đi mách với xóm giềng. Các ông chồng xứ Huế thường quan niệm “chồng Chúa vợ Tôi”, nhưng vợ chồng tôi nhờ trải qua bao nhiêu gian khổ trên đường đời, sống chết có nhau, hạnh phúc san sẻ, nhất là chồng tôi được tiếp nhận văn hoá phương Tây nên anh ấy thương vợ và bênh vực quyền lợi của những người phụ nữ bị thiệt thòi.
 
Ngoài việc giúp tôi làm việc nhà, chồng tôi còn nhiệm vụ do mẹ tôi giao phó là chơi bài với ba tôi. Mẹ dặn: “con đừng đánh hơn Cậu nghe, Cậu mà buồn tình là con mất vợ đó” (rồi mẹ cười to). Mẹ nói tiếp: “nếu Cậu thua Cậu sẽ nghĩ Cậu già nên lú lẫn rồi ông sẽ chán chơi bài, nhường Cậu nghe chưa Minh”, chồng tôi hoan hỷ thi hành. Chiều ý mẹ vợ thì lại bị cha vợ chê, anh kể rằng: “để Cậu ăn thì Cậu lại cười khơm và xem Minh chơi thấp nước, mà đánh ăn vài ván thì Cậu bỏ bài không chịu chơi nữa”. Ba tôi không chịu chơi bài nữa nên chồng tôi dẫn ông cụ đi bộ quanh xóm. Sáu tháng chăm sóc Ba Mẹ trôi qua nhanh, visa hết hạn tạm trú tại Việt Nam, chúng tôi dẫn nhau đến tu viện Làng Mai để tu học cho hết tròn một năm xin nghỉ làm.
 
BA QUA ĐỜI
 
Năm sau, sức khỏe Ba xuống nhanh, ngày Ba ra đi gần kề, sợ Ba mất nên nhiều đêm tôi nằm khóc một mình và niệm Quán Thế Âm, cầu nguyện cho Ba. Tình trạng này đã làm chồng tôi lo lắng, anh nghĩ rằng tôi sẽ đau khổ lắm nếu ông cụ qua đời.
 
Một sáng nọ, khi chuẩn bị đi làm, tôi nhận được điện thoại của sư cô Huệ Hảo, Sư bảo : “em ngồi xuống ghế, chị nói chuyện này cho em nghe”. Linh tính báo trước nên tôi trả lời: “ Thưa Sư, ba con đã qua đời rồi phải không Sư?”. Sư đáp: “Đúng rồi em, ôn đã qua đời sáng này, ni sư Như Minh gọi qua nhờ chị báo tin cho em”. Nhờ đã chuẩn bị cho một chuyến đi thật xa của người thương nhất đời, nên tôi giữ bình tĩnh và tự nói với lòng là mình phải làm gì cho xứng đáng là một người con hiếu thảo với Ba.
 
Tôi cũng xin kể một câu chuyện bên lề là, trong thời gian tôi về thăm Việt Nam, có quý chư Tăng và Ni đến gặp tôi tại nhà Ba Mẹ tôi để nhắc nhở một số công việc Phật sự hay từ thiện cần làm. Một hôm Ni sư Như Minh vào nhà, đó là lần đầu tiên Ba tôi được gặp mặt Ni Sư. Khi Sư ra về Ba đến bên tôi nói: “Mai mốt ba chết con nhờ Ni Sư lo đám cho Ba được không?”, tôi thưa: “ Dạ, con sẽ thỉnh ý Sư, mà con nghĩ là Sư sẽ bằng lòng”, đúng như lời tôi tiên đoán, khi Sư nghe về nguyện vọng của Ba tôi thì Sư hoan hỹ ngay. Sáng hôm Ba tôi hấp hối, bệnh viện cho gia đình đưa ông cụ về nhà, xem giờ tốt để rút ống oxygen ra. Cũng trong sáng đó, sư Như Minh đang đi họp ở Hà Nội, thấy nóng ruột và linh tính báo cho biết là ở Huế có việc cần Sư. Vậy là công việc chưa xong mà Sư đã tìm cách đi máy bay vào Huế. Sư vừa đến chùa cũng là lúc bên nhà tôi báo tin nhờ Sư qua nhà để cho giờ rút ống và hộ niệm cho Ba. Sư đã cùng một số sư cô qua ngay và giúp gia đình sắp xếp việc mai tang.
 
Ý niệm sống xứng đáng trước cái chết của Ba, giúp tôi không bị chi phối bởi nhiều suy nghĩ, lo toan. Tôi nhiếp tâm về hơi thở, trụ vào mỗi bước chân đi, miệng mỉm cười, thực tập như thế trên đoạn đường đi bộ ra xe bus đến sở làm. Ngồi trên xe bus, tôi cảm thấy trong người khỏe nhẹ an vui. Ba đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nhờ sống trong chánh niệm nên sự thật đó không kéo tôi vào trạng thái khổ não, tiếc thương như tôi đã có trước khi Ba qua đời. Vượt qua được cảm thọ bi ai, tôi bắt đầu bước thêm một bước nữa. Tôi quán tưởng Cha đang ngồi bên cạnh tôi trên chiếc xe bus đến sở làm, tay tôi trong tay Cha, như ngày xưa còn nhỏ ông cụ dẫn tôi đi quanh xóm, rất hạnh phúc, hai cha con tay trong tay. Tuy không có bàn tay của Ba, nhưng bàn tay tôi vẫn nạm lại với tư thế như đang cầm lấy tay Cha thật sự. Vừa cầm tay Ba, vừa mỉm cười, vừa quán tưởng ngài A Di Đà, tôi kể về kinh A Di Đà, và thế giới Cực Lạc cho Cha nghe. Nhiều lắm, rất nhiều hình ảnh rực rỡ của vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não được dùng để xây dựng thế gìới Cực Lạc, hình ảnh hoa Mạn Đà La rơi giữa ban ngày, hình ảnh chim Anh vũ, Ca lăng tần già, Cọng mạng, Chi điểu ... hót khắp nơi và tiếng diễn xướng các pháp môn Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần .... đưa Ba vào tâm an tịnh, trở về thực tập niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Tôi nói khẽ “Thế giới Cực Lạc là thế đó thưa Ba”. Lúc đó tâm tôi thật sự an lạc vô cùng, an lạc như đang sống trong thế giới Cực Lạc, tôi tin chắc rằng Ba tôi cũng tiếp nhận được trạng thái an lạc như tôi đang có trong thân tâm.
 
Một niềm hạnh phúc nữa đã đến khi tôi nhận ra rằng nhờ sự tu tập như vậy đã giúp tôi sống rất gần với Ba, gần hơn cả lúc Ba đang còn ở dương thế. Bây giờ hai cha con hai thế giới Âm Dương nhưng lại gần nhau trong hơi thở. Thật là mầu nhiệm vô cùng, nói ra thì khó ai tin, nhưng trạng thái đó là trạng thái có thật, khi tâm bình lặng thì thế giới cũng bình lặng.
 
Đến sở, tôi xin bà giám đốc nghỉ làm để về Việt Nam lo việc mai táng cho Cha rồi rời văn phòng rảo bộ ra tiệm để mua vé đi về gấp. Trên đường đi đến đại lý bán vé, tôi tiếp tục hành trì phương pháp thiền hành, thở cho Cha và bước cho Cha, mỉm cười cho Ba và truyền sự an lạc cho Ba. Nhờ tiếp xúc hương vị kỳ diệu của trạng thái nầy, tôi quyết định không mua vé về Việt Nam . Nghĩ rằng, nếu về Việt Nam tôi sẽ mất cơ hội thực tập và dễ dàng mất an lạc trong tâm và thân, chỉ chạy theo công việc làm tâm trí rối loạn trong khi đã có quá nhiều người lo cho đám tang của Ba. Riêng việc nhiếp tâm thanh tịnh để gửi năng lượng đến cho Cha tôi thì không ai nghĩ là phải cần làm.
 
Thong thả lấy xe bus về nhà, tháng 10 trời xập tối rất nhanh, tôi thấy chồng tôi đứng chờ ở bến xe tự bao giờ. Khuôn mặt anh vừa lo lắng vừa mừng rỡ khi thấy tôi bước xuống xe, anh ôm tôi vào lòng với bao nhiêu tình thương từ vòng tay của anh, anh ôm tôi thật lâu mà không nói một lời nào.  Tôi hiểu anh đang lo lắng vì những trạng thái dằn vặt của tôi những ngày trước, nên tôi cho anh biết là lòng tôi nhẹ nhàng an lạc và cũng báo tin là tôi quyết định không về Việt Nam, mà muốn duy trì sự an lạc này để cầu nguyện và chuyển năng lượng cho Ba trong 49 ngày, thời gian quan trọng, thời gian Thân Trung Ấm của Ba. Tối hôm đó, vợ chồng tôi tìm đến gặp ngài Khen Rinpoche Lobsang Yamjang, với một tấm hình của Ba tôi. Lúc này, Ngài và một số Phật tử đang bàn công việc thỉnh tượng Phật đưa về Tây Tạng để thờ tại các chùa, vì một số tượng Phật ở đây đã bị chính quyền đập phá. Tôi thưa với Ngài về sự qua đời của Ba tôi và xin cúng 800 Cad cho chương trình tượng Phật, đó là nửa số tiền vé máy bay về Việt nam, nửa số tiền còn lại tôi gửi về Việt Nam, nhờ qúy Sư giúp các chương trình từ thiện tại quê nhà. Ngài Khen Rinpoche lắng nghe tôi trình bày lời thỉnh nguyện, mong Ngài hằng ngày trì chú và tụng kinh cho Ba. Ngài nhận lời và hứa sẽ đưa tấm hình về tu viện Sara Mey để tăng đoàn ở đó tụng kinh và quán tưởng mỗi ngày. Ngài tặng tôi 2 tấm Tanka hình Phật Thích Ca để về thiết lập bàn thờ và 3 câu chú của Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm và Om Mani Padme Hum, mỗi câu chú trì niệm 2500 lần một ngày. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng không thể làm đúng lời yêu cầu của Ngài, nên tôi tùy duyên trong số lần niệm chú nhưng luôn để tâm sống trong tỉnh thức, gửi sự thanh tịnh đến cho Ba.
 
Sự hộ niệm trong chánh niệm mang đến trạng thái an lạc và hoan hỷ kỳ diệu dâng trào trong tôi. Một chuyện xảy ra làm tôi không bao giờ quên là có một lần chị bạn, khi biết tin Ba tôi qua đời, chị chia buồn với khuôn mặt bi ai, diễn tả sự tiếc thương; trái lại tôi lại cười thật tươi và nói rằng: “thưa chị, Ba em đang ở trong một thế giới an lành hơn thế giới mà Ba đã sống trước đây, Ba đang chung vui với niềm vui trong em”. Khi nghe tôi nói như vậy với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười thật tươi đã làm chồng tôi hết hồn, anh bấm vào tay tôi ra dấu đừng nói thêm gì nữa. Sau đó anh bảo tôi sao bạn chia buồn mà tôi vui quá vậy, có ai Cha mất mà vui như ngày hội vậy đâu. Tôi nói thật là trong lòng tôi niềm an lạc và hoan hỷ tuôn trào như dòng suối , không giữ được nụ cười và luôn nói ra những lời đầy niềm tin yêu trong hai thế giới âm dương. Tôi còn nói cho chồng tôi biết là nếu một người con bị mất Cha ở trong trạng thái thứ nhất là thương tiếc, hệ lụy hay trạng thái thứ hai là vui tươi, không quyến luyến, không vướng mắc, thì tôi chọn trạng thái thứ hai là trạng thái mà tôi đang có, vì tôi nghĩ tôi đang ở trạng thái nào thì khi cầu nguyện trạng thái đó sẽ được chuyển đến cho người thân đã qua đời của tôi. Tôi nghĩ thời gian mang Thân Trung Ấm rất nhạy cảm, có thể cảm nhận được tâm hành an lạc hay sầu đau của mình.
 
Một hôm nọ, ngồi trên xe bus đến sở làm, tôi quán tưởng cầm tay Ba trong tay mình với lòng thương yêu vô bờ, của đứa con gái ngày xưa luôn quanh quẩn bên Ba khi Ba tôi bị bệnh nằm liệt giường trên 7 năm trời. Giây phút quán tưởng, tôi  hạnh phúc lắm vì chưa bao giờ tôi cảm thấy mình gần cha mình như những ngày sau khi Ba vừa qua đời, tâm mình luôn hướng về Ba, nói chuyện với Ba, kẻ âm người dương mà sao gần nhau quá và luôn có mặt bên nhau. Tôi hướng lòng trong 3 chữ A Di Đà, ngay trong khoảnh khắc đó tôi sực nhớ đến anh Paul làm cùng sở, khoảng độ 38 tuổi, đứa con trai duy nhất của một ông chủ hãng giàu có, vừa bị tai nạn xe qua đời ngày hôm qua. Hình ảnh Paul hiện ra trong đầu tôi, và tôi nhiếp tâm trì niệm chú cho Ba và cho Paul. Rồi chỉ trong sát na đó tôi chợt nghĩ ra rằng, mỗi phút có trên 20,000 em bé đói chết trên trái đất, và còn bao nhiêu chúng sanh qua đời trong giờ phút hiện tại này. Bỗng nhiên tôi nhiếp tâm, truyền hết năng lực cầu nguyện đến muôn loài chúng sanh vừa qua đời trong giây phút đó. Sự mất mát người Cha thân yêu chỉ là một giọt nước nhỏ trong biển mất mát của vũ trụ bao la này.
 
Đến ngày thứ 49, tôi mời quý bác và các anh chị em bạn đạo làm lễ hộ niệm cho Ba tại thiền đường Duyệt Ý, buổi lễ diễn ra trang nghiêm và ấm cúng. Sau buổi lễ, thay mặt Mẹ và gia đình, tôi nói lời cảm tạ đến quý thân hữu với nội dung: Ba con đã được may mắn vất bỏ đi đôi dép cũ để mang vào đôi dép mới, đã may mắn lột bỏ chiếc áo rách, để mặc vào chiếc áo lành. Con biết trong giờ phút này Ba con đang có mặt tại đây với chúng ta. Ba thấy rõ rằng, bên cạnh gia đình huyết thống còn có một đại gia đình tâm linh, trong đó Con có nhiều Cha nhiều Mẹ nhiều Anh Chị Em, tất cả đã thương yêu con và luôn có mặt bên con khi hoạn nạn cũng như lúc bình an, con chắc chắn rằng Ba con an tâm rời xa đứa con gái ngoan, và Ba cũng biết rằng Ba không bao giờ chết, vì con là sự tiếp nối của Ba trong từng tế bào trên cơ thể của con. Sau lời cám ơn tôi nghe tiếng thút thít của một số chị bạn, chị Hảo đến gần nói nhẹ và tai tôi: “em nói làm chị khóc”.
 
MẸ
 
Những kinh nghiệp về cảm xúc và tâm lý tích cực xẩy ra trong tôi qua cái chết của Ba đã giúp tôi có định hướng để làm bổn phận của một người con đối với Mẹ trước khi người khuất núi. Lần cuối cùng gặp Ba tôi, ông cụ trăng trối rằng tôi phải có bổn phận lo cho Mẹ và đứa cháu nội đích tôn chu toàn. Nên sau khi Ba mất được vài năm, tôi hỏi ý kiến của chồng tôi để xem tôi có nên về Việt Nam chăm sóc hai bà Mẹ, mẹ chồng và mẹ ruột, mỗi năm vài tháng được không? Nếu đi thì ai lo cho anh ấy ở Canada? Chồng tôi khuyên nên về lo cho 2 bà Mẹ, anh ấy giải thích rằng: quan hệ giữa vợ chồng, anh, chị, em, có bị mất nhau cũng có thể tìm được người thay thế, nhưng Cha Mẹ mình thì không có ai thay thế được, hai vị này là người duy nhất cho mình hình hài này, đã cắt 1 phần cơ thể của Mẹ để có cơ thể của mình. Chồng tôi còn nói thêm là đã nhiều năm tôi đam mê công việc từ thiện vậy sao không lấy cơ hội này để vừa báo hiếu Mẹ già vừa giúp người khốn khổ. Và từ đó, năm 2000, tôi rời cuộc sống đơn điệu mỗi ngày, xách Balô một mình đi vào đời đầy nguy hiểm với tài hèn đức mọn, và lăn lóc cho đến hôm nay.
 
Hạt giống Từ Bi:
 
Vừa chăm sóc Mẹ vừa làm việc từ thiện, tôi đặt bàn làm việc ngay bên giường ngủ của Mẹ, lúc nào Mẹ cũng có tôi bên cạnh nên bà cụ thích lắm. Những cuộc điện thoại gọi vào nhà toàn là bàn luận về từ thiện, đó cũng là cái hay để gieo trồng những hạt giống từ bi vào vườn tâm của Mẹ. Vì nhờ nghe “lén” các cuộc điện thoại của tôi, nên nếu tôi đi vắng nhà mà ai gọi vào tìm thì Mẹ trở thành “nữ thư ký” nhiệt tình của Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời. Mẹ đã trả lời rành mạch là tôi đang đi, làm gì, và lúc nào sẽ về lại nhà, bạn bè tôi ai cũng ngạc nhiên. Phước báo lớn nhất của tôi là, không những chồng tôi khuyến khích và cùng làm việc, mà hai đại gia đình của tôi và của chồng đều ủng hộ công việc từ thiện của vợ chồng tôi.
 
Nhà Mẹ tôi rộng lắm, các anh chị em thiện nguyện viên có thể đến ở lại thoải mái khi cần làm việc với tôi. Nhiều lần, nhận bệnh nhân từ các tỉnh về bệnh viện Trung Ương Huế chữa trị, và đang chờ quyết định nhập viện, tôi đưa bệnh nhân về nhà ở cho đỡ tốn tiền ăn và tiền thuê phòng. Họ đã trở thành thành viên trong nhà, phụ giúp chị giúp việc nấu ăn, hay ngồi nói chuyện chơi với Mẹ. Lúc đó, Mẹ tôi còn sức khoẻ nên bà sẵn sàng đón nhận, sau này Mẹ mỗi ngày một yếu, nên tôi không dám làm liều, để Mẹ được yên mà nghỉ ngơi.
 
Quan Thế Âm Bồ Tát
 
Càng lớn tuổi Mẹ tôi càng nhõng nhẽo, mỗi đêm khi tôi nằm bên Mẹ, Mẹ thường hay than là Mẹ bị đau quặn trong bụng khó chịu lắm và nhờ tôi xoa vùng bụng bị đau. Thật ra, Mẹ tôi không bị đau bụng, nhưng bà muốn được con gái nuông chiều, giả đau để được con chăm sóc thoa bóp, tôi dựa vào hoàn cảnh để giúp Mẹ niệm Phật. Tôi vừa xoa bụng Mẹ, vừa lâm râm niệm: Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi tôi nhắc mẹ đọc theo tôi để mau lành bệnh. Mỗi khi tôi làm như vậy thì chỉ một lúc sau Mẹ tôi đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.
 
A Di Đà Phật
 
Bốn hướng chung quanh giường Mẹ ngủ, tôi treo hình Phật A Di Đà, khuyên Mẹ nằm nhìn Phật và niệm danh hiệu của Ngài, Mẹ bảo mệt không muốn niệm Phật. Vậy là tôi mua máy niệm Phật về mở nhẹ và để ở nhà trên. Mẹ nghe tiếng niệm Phật thì hỏi: ai mở kinh rứa, tắt giúp mợ, nghe tụng kinh hoài mợ mệt lắm”. Tôi thưa rằng: “Dạ, kinh từ nhà hàng xóm, nhà hàng xóm có đám tang nên ngày nào họ cũng mở kinh hết”, mà có thiệt, gia đình có tang là người đạo Thiên Chúa không mở kinh, nhưng tôi mượn cớ để giúp Mẹ biết niệm Phật. Mẹ chịu thua, chị giúp việc nghe tôi nói lừa Mẹ, tủm tỉm cười với ánh mắt hợp tác. Tôi dặn chị mở ra khoảng hai tiếng đồng hồ rồi tắt đi cho Bà nghỉ, vài tiếng sau lại mở lại cho Bà nghe. Chiều hôm đó chị tôi ghé lên thăm Mẹ, bước vào nhà chị nghe tiếng tụng Kinh, rồi xuống đứng nhìn Mẹ thì thấy Mẹ đang nhịp nhịp chân theo tiếng mõ và miệng thì lâm râm niệm danh hiệu Phật. Chị thấy vui quá, gọi tôi đến và hai chị em lén nhìn Mẹ đang êm ấm nằm tụng kinh một mình, không réo gọi không nhõng nhẽo với con cái. Tôi nói với chị là tôi đang tập cho Mẹ quen tiếng tụng kinh, khi Mẹ sống mà được nghe kinh thì tâm Mẹ sẽ lắng dịu, giảm bớt suy nghĩ. Nên tập nghe lúc này, vì lúc Mẹ xả bỏ nhục thân, sẽ được nghe tụng kinh liên tục trong thời gian 49 ngày thì lúc đó lời kinh mới có khả năng đi vào tâm thức và giúp Mẹ chiêu cảm với sự tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà.
 
Mẹ chồng tôi thì khác, bà cụ có xâu chuỗi và tự niệm nhiều danh hiệu Bụt và Bồ Tát mỗi đêm, khi bà cụ còn đi lại bình thường, bà hay đi chùa một mình. Gia đình chồng tôi ở trước mặt nhà Mẹ tôi nên rất thuận tiện cho tôi chăm sóc một lúc hai bà Mẹ. Một đêm nọ tôi đứng đầu giường Mẹ chồng thì thấy Bà tay lần xâu chuỗi miệng lâm râm niệm Phật. Tôi đứng lâu lắm, ngắm nhìn cụ hơn 20 phút mới nghe cụ kết thúc bằng một tràng bệnh kể cho Phật nghe rồi xin Phật tiền. Mẹ chồng tôi thưa với Phật là cụ bị đau chân lâu ngày không đi lại được, tim cũng đau, và lại hay bị ho … rồi cụ nói “xin Trời Phật cho con chút tiền để chữa bệnh”. Tôi nghe được ước mơ của cụ nên sáng hôm sau đem vào ba chai thuốc bổ mua từ Gia Nã Đại. Tôi thưa rằng chồng tôi gửi về cho Mẹ, đây là thuốc trị bệnh đau chân, tim và phổi. Mẹ chồng uống được vài ngày thì bà sung sướng cho biết đã lành bệnh và nói thuốc ngoại quốc rất tốt cho cụ xin thêm vài chai.
 
Có một cuốn sách của ngài Dalailama được dịch qua tiếng Việt mang tên là Sống Hạnh Phúc, Chết Bình Yên. Ngài nói về niềm Hạnh Phúc khi sống sẽ mang lại Bình Yên sau khi chết của mỗi con người. Từ kinh nghiệm trong quá trình hộ niệm cho Cha và chăm sóc hai bà Mẹ, tôi thấy rằng niềm Hạnh Phúc của người sống có ảnh hưởng đến sự Bình Yên và Giải Thoát đến người thân còn tại thế và người thân  đã qua đời.
 
Ngày xưa, khi đến thăm tu viện Làng Mai ở Pháp, tôi có thấy 1 câu trong truyện Kiều treo trên tường được viết bằng bút pháp của thầy Nhất Hạnh: Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?. Đây là tiếng chuông chánh niệm đánh thức tôi cẩn trọng những tháng ngày được sống bên cạnh người thân. Sống trọn vẹn, sống hết lòng, để một mai Mẹ già - người thân - có ra đi thì tôi vẫn giữ được nụ cười bình thản, vẫy tay chào vĩnh biệt mà lòng không tiếc nuối hay khổ đau. Nếu chúng ta có sự thực tập chánh niệm vững vàng và quán chiếu thấy rõ sự vô thường, tính duyên khởi của vạn pháp thì chúng ta có thể tìm được thiền duyệt ngay trong khổ đau.
 
Nhân ngày vía Mẹ Hiền Quán Thế Âm, tôi viết lên đây niềm hạnh phúc của một người con được toại nguyện với những gì tôi làm được cho các bậc sinh thành. Tôi nguyện cầu cho tất cả những người con trai hiền, con gái thảo sẽ tạo cơ hội để sống trọn vẹn với Cha Mẹ, dù người còn đó hay người đã khuất, với muôn vàn kính yêu.
 
Mùa Báo Hiếu – 2010
_______________________________________________________________________________
 
LÀ LÚC NÀY ĐÂY
 
( Lá thư nầy được đăng trên tờ báo Toronto Star vào dịp lễ Mother’s Day)
 
Thưa bà, tôi có một người mẹ tuyệt diệu, người đã thương yêu, hy sinh và giúp đỡ tôi trong mọi hoàn cảnh trong nhưng năm mới lớn, những năm đại học và ngay sau khi lập gia đình bên cạnh tôi luôn luôn có mẹ. Mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ với lũ con còn nhỏ, mẹ tôi luôn luôn ở cạnh để giúp tôi.
 
Hôm nay là ngày chôn cất người mẹ hiền đó của tôi. Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác của tôi ra sao sau tang lễ khi trở về nhà và tìm thấy bài thơ nầy trong hộc tủ của mẹ?
 
THE TIME IS NOW
 
If you are ever going to love me
Love me now while I can know
The sweet and tender feelings
Love me now while I am living
Which from true affection flows
Do not wait until I’m gone
And then have it chiseled in marble
Sweet words on ice-cold stone
If you have tender thoughts of me
Please tell me now
If you wait till I am sleeping
Never to awaken
There will be death between us
And I won’t hear you then
So, if you love me, even a little bit
Let me know it while I am living,
So I can treasure it
 
LÀ LÚC NÀY ĐÂY
Sông Hương dịch
Nếu cảm thấy có một ngày yêu mẹ.
Yêu lúc này khi mẹ vẫn còn hay
Cảm giác ngọt ngào, mát dịu, êm say
Chảy từ suối yêu thương vô tận.
Yêu bây giờ
Lúc này đây mẹ sống
Đừng đợi chờ ngày khuất bóng làm chi.
Khắc lời ngọt ngào trên đá vô tri.
Lời thật ngọt nhưng đá thì lạnh lắm
Nếu đang nghĩ đến mẹ, dịu dàng, đầm ấm,
Nói đi con đừng để mẹ ngủ yên.
Giấc ngủ ngàn năm, cõi chết vô miên.
Mẹ sẽ chẳng bao giờ nghe con nữa.
Và con ơi, chút tình yêu rất nhỏ
Cho mẹ bây giờ lúc còn ở thế gian.
Biết không con, dù chỉ một chút muộn màng.
Đối với mẹ, ôi vô vàn trân quý.
Càng tệ hơn nữa là tôi tự nhận ra tôi đã đối xử với mẹ tôi một cách bất xứng. Tôi đã có thời gian cho tất cả mọi người mọi việc nhưng tôi đã không bao giờ có thời giờ cho mẹ. Ghé tạt vào thăm, uống với mẹ một tách cà phê, ôm mẹ một giây trong tay mình là những việc dễ làm biết mấy, nhưng không! Đối với tôi bạn bè đã dành một chỗ quan trọng hơn là mẹ. Mặc dầu tôi biết bạn bè không hề làm được những gì mà mẹ đã làm cho tôi.
 
Mỗi khi nói chuyện với mẹ bằng điện thoại, tôi luôn luôn hối hả. Bây giờ tôi mới cảm thấy xấu hổ khi nghỉ đến những lần đã cắt ngang câu chuyện của mẹ, và tôi nhớ luôn cả những lần đáng lẽ tôi phải mời mẹ tham gia trong những sinh hoạt của tôi mà tôi đã bỏ qua không làm.                                                                          
Đời sống đầy rẫy những người con như tôi. Tôi mong họ sẽ nhận diện bản thân mình qua lá thư nầy và tìm được một chút ích lợi trong đó. Còn với tôi, tất cả đã quá muộn, mẹ tôi không còn nữa! Và bạn biết không? Nỗi hối tiếc đã làm tôi muốn bịnh! 
 

MÙA BÁO HIẾU VU LAN
 
MẤT MẸ
 
Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi

Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất

Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ la lại

Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông Chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời

Tác Giả

XUÂN TÂM

Co bun moi co sen web

PHẬT CHƯA TỪNG NHÂP DIỆT

Sau khi hoàn tất một số công việc từ thiện ở Biển Hồ, tôi giã từ Cam-Pu-Chia để chuẩn bị vào Ấn Độ. Vừa rời phi trường chuyển tiếp Thái Lan được một ngày thì phi trường bị đoàn biểu tình làm tê liệt. May quá, nếu không có lẽ tôi sẽ phải ở lại đây một thời gian thật lâu. Lần đầu tiên đến chiêm bái xứ Phật, không một người quen, tôi may mắn được thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật ra đón tận phi trường. Vùng nầy thuộc tỉnh Gaya , nơi có những thánh tích Phật giáo như Bồ Đề Đạo Tràng, Khổ Hạnh Lâm, sông Ni Liên Thuyền …. Mục đích của chuyến đi nầy là xem lại những công việc từ thiện của “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” đã làm trong những năm qua, tìm hiểu để làm thêm những công việc mới, mong giúp một chút cho Đạo và chia xẻ khó khăn với những người dân giai cấp cùng đinh.

28-pho-or-bodhi-atiketta-sangasaeng

Tăng Thân Bồ Đề