Cầm cuốn sách tôi nhớ lại lúc vừa mới bắt đầu thực tập thiền, cái thời mà cái tâm ban đầu rất là hùng tráng, tôi cũng đã bắt đầu thực tập với những bài kệ nầy, dần dần thì sự thực tập được đổi qua những bài tập khác. Cám ơn chị Chân Mẫn Hòa, tâm ban đầu đã được tưới tẩm.
Có thể tôi đã mất cái thực tập căn bản và cũng để khỏi phụ lòng người tặng, tôi thực tập lại những bài thi kệ nầy.
Sau một thời gian thực tập, tôi nhận ra rằng tôi đã không mất cái thực tập căn bản và cũng không không mất thực tập căn bản, vì không có cái gọi là thực tập căn bản, không có cái thực tập căn bản xong rồi thì thực tập cao hơn. Cũng như tập thể dục, không có bài tập căn bản hoặc cao hơn, cũng là chừng đó động tác mà lập đi lập lại hàng ngày. Có nhiều bài tập khác nhau nhưng không thể nói bài nầy hay hơn bài kia mà tùy cá nhân mà có bài tập thích hợp. Có thực tập thì có chánh niệm, thực tập càng miên mật thì năng lượng chánh niệm càng mạnh. Cũng ví dụ tập thể dục, còn tập thì còn sức khỏe, không tập thì sức khỏe đi xuống. Chánh niệm cũng vậy, có thực tập thì có chánh niệm, không thực tập thì không có chánh niệm vì chánh niệm là một tâm hành, cũng vô thường, cũng do những yếu tố khác tạo thành. Bụt là người đã thành đạo nhưng Ngài vẫn thiền toạ, thiền hành, thực tập Tứ Niệm Xứ. Nói theo như người Tây Phương: "If you don't practice it, you'll lose it" hay bắt chước Sư Ông: "Không có sự thực tập đưa đến chánh niệm, chánh niệm là sự thực tập"
Trong lúc thực tập những bài kệ nầy, tôi nhận thấy bài bật đèn:
Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏ rạng
là một bài khó thực tập.
Dưới đây là lời bình giải của Sư Ông:
"Cầm lấy núm điện trên đầu giường, hoặc đưa tay lên để mở đèn, bạn ngừng lại năm mười giây để thầm đọc bài kệ nầy trước khi bấm đèn hoặc bật đèn. Bạn sẽ được đền bù thỏa đáng.
Chánh niệm là phép lạ. Có chánh niệm, tự khắc mọi vọng tưởng và tạp niệm tan biến như bóng tối tan biến khi ánh sáng có mặt. Sự tỉnh thức của bạn không những sẽ soi sáng cho bạn mà còn soi sáng cho mọi người chung quanh bạn nữa."
Khi bật đèn thì ta có mục đích bật đèn để làm gì, để đi vào bếp, đi lên cầu thang, vào phòng vệ sinh...mà động tác bật đèn thì chỉ mất một giây cho nên ta thường bị cuốn hút đến sự việc sau khi bật đèn.
Khó nhưng thực tập một thời gian thì khi bật đèn ta sẽ nhớ đến bài kệ để thực tập. Sau một thời gian, tôi nhận thấy đôi khi mình vừa đọc vừa bật đèn hoặc đi đến cái bật đèn thì vừa đi vài bước cuối vừa đọc bài kệ , khi đến trước cái bật đèn thì vừa đọc xong bài kệ và mình bật đèn. Thực tập như vậy thì chưa thực sự "ngừng lại", cái tập khí vội vàng vẫn còn đó, mình bị cuốn hút vào cái "tương lai bật đèn" dù là tương lai rất gần mà quên đi những bước chân trong hiện tại, như vậy dây đàn đã hơi căng, tôi đã nhận ra và điều chỉnh lại. Đôi khi mình phải có "chánh niệm trong thực tập chánh niệm".
Như lời bình giải Sư Ông đã viết, "bạn ngừng lại năm mười giây để thầm đọc bài kệ nầy trước khi bấm đèn hoặc bật đèn". Khi đi đến cái nút bật đèn, thì bạn vẫn thực tập thiền đi, đến cái nút bật đèn thì ngừng lại, đọc thầm bài kệ rồi mới bật đèn. Bật đèn như vậy thì giây phút bật đèn là giây phút "sống" chứ không phải là giây phút "chết".
Khi thực tập bật đèn thì tự nhiên khi tắt đèn thì mình cũng muốn thực tập mà tập sách nầy không có bài tập tắt đèn cho nên khi tắt đèn thì tôi thầm nói "tắt đèn, tắt đèn". Nhưng tôi nhận thấy thực tập như vậy thì không có "thiền" một chút nào, thực tập thiền thì phải có thi kệ. Sư ông đã không viết bài tắt đèn hoặc những bài khác, tôi nghĩ, đó như lời mời gọi mọi người tham dự vào công trình làm giàu sự thực tập, cho nên tôi đã làm bài kệ:
Tắt một ngọn đèn
Cho đất mẹ thêm xanh.
Trong vài năm qua, tăng thân chúng ta đã tham dự vào công trình xây dựng tâm thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, chương trình "Earth Hour", một giờ không xử dụng điện để đánh thức mọi người về hiểm họa của sự thay đổi của môi trường, thúc đẩy mọi người hành động để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
Anh Chân Tính Hải đã viết:
Một giờ hiếm hoi không có điện
Tâm nguyện nâng niu ĐẤT MẸ hiền
Ba ngọn nến hồng ôm bóng tối
Xin cho muôn loài sống bình yên
Quả thật một năm một tiếng đồng hồ thật là hiếm hoi. Cho nên mỗi khi tắt đèn thì mình thầm đọc câu kệ nầy để thực tập chánh niệm và nhắc nhở mình đất mẹ đang bị tổn thương vì vô minh của loài người và để biến tâm thức thành hành động, đất mẹ mới có cơ may luôn là nơi tươi mát cho mọi loài quay về nương tựa.
Xin mời đại chúng thực tập "Bật đèn", và "Tắt đèn"
Ngày vui thứ 362 năm 2013
Chân Đại Tường
Thiền tập căn bản
Trong chuyến đi Việt Nam về, chị Chân Mẫn Hòa có tặng cho tôi cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen, đây là cuốn sách viết về những bài thi kệ để thực tập chánh niệm và lời bình giải do Sư Ông viết.
Dựa trên cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu do thiền sư Độc Thể biên tập, Sư Ông đã sửa đổi và thêm nhiều bài cho phù hợp với thời đại mới. Đây là cuốn sách đầu tiên mà các thiền sinh được học, có thể tạm gọi là những bài thực tập căn bản. Có thể chị Chân Mẫn Hòa thấy tôi quên cái thực tập căn bản nên đã tặng cuốn sách nầy.
Tăng Thân Bồ Đề
© 2010 Bodhi Community of Mindfulness links: | Magnolia Village Monastery | Plum Village | Làng Mai | Deer Park Monastery | Blue Cliff Monastery | European Institute of Applied Buddhism | Plum Village Foundation Hong Kong | Thai Plum Village | Thư Viện Thích Nhất Hạnh | Wake Up | In the Footstep of the Buddha | Mindfulness Bell | Parallax Press | Lá Bối | International Sangha Directories | Village Des Pruniers