Ngày xưa khi đọc bài “Hoa Thược Dược” của nhà thơ Quách Thoại, tôi chỉ cảm nhận đây là bài thơ có văn phong tuyệt tác, dù không hiểu chi lắm nhưng có cái gì quyến rũ kỳ lạ trong những vần thơ ngắn ngủi nhưng đầy thi vị nầy. Mãi đến sau nầy mới biết được cái thiền vị trong bài thơ, đặc biệt là cái xuất xứ “bí ẩn” của nó, chỉ lộ diện khi nhà thơ đã ra đi.

Thi sĩ Quách Thoại đã nhìn thấy đóa Hoa Thược Dược bên hàng dậu, biểu hiện một cách nhiệm mầu. Có lẽ hôm đó tác giả đã có một chánh niệm thật sâu sắc, không phải một loại chánh niệm thường ngày xen lẫn quá nhiều thất niệm, vì khi chúng ta thực tập không tinh chuyên, chánh niệm yếu ớt không cho phép mình tiếp xúc quá sâu sắc với vạn Pháp như trường hợp của tác giả và bông hoa. Có thể tác giả đã trải qua một tâm trạng định tâm sâu lắng, một buổi thiền tọa dài, hay đã nhập thất mấy hôm rồi; và chỉ với một tâm trạng đầy lắng trong, tác giả mới có đủ định lực nhìn xuyên thấu bản chất đích thực của bông hoa, mới thấy vạn hữu nhiệm mầu, đang hòa điệu biểu hiện trong một bông hoa, và tác giả đã sụp lạy cúi đầu.

Trong những khóa tu dài ngày, những lúc chánh niệm ta thật mạnh, ta dễ dàng tiếp xúc sâu sắc những gì đang hiện diện quanh ta, ta định tâm hơn, ta nhìn rõ hơn, ta an trú dễ dàng hơn, sự tĩnh thức không mời vẫn có mặt trong mỗi bước chân, mỗi việc làm.
Mấy hôm nay bên cửa sỗ, những nhành Phong Lan nở rộ thật đẹp, màu đỏ thẩm xen lẫn màu trắng tinh khiết dịu dàng. Tôi vẫn thường đứng nhìn, thấy rõ sự sinh tồn của bông Lan và bản thân mình là “không hai”, như chính bản thân mình vừa mọc thêm mấy chiếc lá mới, và trên thân tôi, một nhánh Phong Lan chào đời. Những lúc như vậy tôi thường chắp tay lại, cúi đầu trang trọng, tôi cũng có cảm nhận về hoa, nhưng có lẽ không đủ sâu sắc như sự cảm nhận của nhà thơ Quách Thoại.

Trong Đại Thừa Phật Giáo, tư tưởng về Pháp Thân bàn bạc khắp nơi. Đức Thế Tôn đã nhập diệt, không còn đó nửa nhưng Pháp Thân ngài vẫn mãi hiện hữu. Đóa hoa Thược Dược của Quách Thoại là một biểu hiện nhiệm mầu của Pháp Thân Bụt, “…nụ hoa nào, hạt sỏi nào, ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh”(thơ Nhất Hạnh)

 Hoa Thuoc Duoc 2Hoa Thuoc Duoc

Vô thường

Đóa hoa hiện hữu dạy cho ta bài học về tính “vô thường” của vạn pháp. Về hình tướng, khi bông hoa sinh ra, bông hoa sẽ ở lại trần gian một thời gian, sau đó sẽ héo tàn, nghĩa là vạn vật phải đi qua giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Không, kể cả người thương quanh ta. Chúng ta hiểu được điều nầy không phải để sầu khổ, mà để quý trân sự có mặt của nhau, và càng chánh niệm chúng ta càng nuôi lớn niềm biết ơn, từ đó ít còn làm khổ cho nhau hơn. Nếu hôm nào đó ta chợt thấy người bên cạnh mình là một đóa hoa Quỳnh Hương, chỉ nở một lần và chỉ một đêm thôi, có lẽ niềm trân quý của ta sẽ tràn dâng.

Vô Ngã

Vô Ngã cũng là một thuộc tính khác của hoa. Hoa sinh ra và hiện hữu nhưng không mang riêng một cái ngã nào. Nếu có người hỏi hoa “Hoa có đó không?”, hoa có thể trả lời không ngần ngại  “Em nhờ nhân duyên mà hiện hữu, trong em toàn những cái không phải em, em làm ra bằng tất cả vũ trụ, trong đó có cả nhận thức của anh, em không là gì cả, mà là tất cả…”  Chúng ta như bông hoa Thược Dược, cũng mang đủ thuộc tính về vô ngã, nhờ chánh niệm chúng ta nhìn sâu hơn, khi cái võ về ngã chấp được tháo gỡ, dù chỉ là chút ít, chúng ta đã bớt khổ đi nhiều, và cũng làm người khác bớt khổ.

Hoa hiện hữu nhiệm mầu là nhờ đến tính “duyên sinh”, khi tất cả vũ trụ quy tụ về chung sức thì hoa bắt đầu biểu hiện, nếu hoa không là vô ngã thì vũ trụ nào làm nên được hoa. Chúng ta cũng được vạn loài chung tay nuôi dưỡng, trân quý và chăm sóc vạn loài là thái độ cần có của chúng ta, như chăm sóc chính mình.

Trong Tam Pháp Ấn, chúng ta thấy có “Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn”. Ở đây hoa cũng vô thường, cũng vô ngã và cũng có tính niết bàn như vạn loài.

Niết bàn

Khi hoa cất tiếng ca, “lời ca em thiên thu” đây là bản chất đích thực của tất cả các pháp. Hoa chưa từng sanh và sẽ không bao giờ diệt, khi nhân duyên đầy đủ hoa biểu hiện, khi nhân duyên không còn hoa sẽ ẩn tàn. Với cái nhìn “Vô Tướng”, chúng ta có thể nhìn thấy hoa khi chúng chưa biểu hiện, hoặc thấy được chúng sau khi chúng ẩn tàng. Sư ông thường dạy như một đám mây, khi không còn trên bầu trời không nghĩa là đã mất, chỉ là mây đã chuyển mình qua một hình thái mới, vì vậy khi chúng ta nhìn vạn loài bằng con mắt vô tướng, chúng ta mới thấy được chân như của vạn pháp, mới thấy được Bụt. Kinh Kim Cương dạy “phàm sỡ hữu tướng giai thị hư vọng” là vậy.

Những đối đãi, thường đoạn, sinh diệt, có không, giống khác, tới đi, nhiều ít không còn chổ đứng trong thực tại của vạn pháp, chân như vượt thoát lên tất cả, ra ngoài những ý niệm đối đãi thường tình.
Chúng ta là vô thường, Chúng ta là vô ngã nhưng chúng ta cũng là niết bàn. Chúng ta thử tìm hiểu chút xíu về vấn đề nầy. Sư ông thường dạy có hai loại niết bàn, Hữu Dư Y Niết Bàn và Vô Dư Y Niết Bàn

Hữu Dư Y Niết Bàn, Vô Dư Y Niết Bàn

Kinh Pháp Cú ví dụ về một thành phố bị chiếm đóng, sau khi triều đình tiêu diệt được phần lớn bọn cướp, thiết lập được HÒA BÌNH, một số cướp đã trốn thoát. Dù đang có hòa bình nhưng vẫn nơm nớp lo sợ vì có khả năng bọn cướp trở lại và gây họa trong tương lai – ÁM CHỈ VỀ HỮU DƯ Y NIẾT BÀN. Nghĩa là chúng ta có thể có niết bàn dù trong tâm vẫn còn một ít phiền nảo.

Cùng một ví dụ trên nếu bọn cướp bị tiêu diệt hoàn toàn, không một ai trốn thoát thì HOÀ BÌNH ĐƯỢC THIẾT LẬP VỮNG CHẮC, điều nầy ví cho VÔ DƯ Y NIẾT BÀN, tâm thức đã loại trừ được HOÀN TOÀN PHIỀN NÃO, SỠ TRI, an tịnh thảnh thơi.

Sư Ông dạy: “Có ngươì tin rằng khi chết mới vào Niết Bàn, cũng như nói khi thành phố kia bị hoàn toàn mất đi mới có hòa bình. Nếu thành phố hoàn toàn mất đi thì đâu cần hòa bình hay an toàn gì nửa, an toàn và hoà bình là an toàn và hoà bình cho một cái gì đó.
Chúng ta sống trong vô thường sanh diệt nhưng cũng có khả năng chạm đến niết bàn, khi có chánh niệm, sự tĩnh thức bừng dậy và ở đây, những phiền nảo và sỡ tri im bặt, lòng đầy sự an tịnh, lúc nầy là lúc ta đang an trúc trong “hiện pháp niết bàn”, dù đâu đó trong tâm, cũng còn một ít phiền nảo nào đó. Trạng thái nầy cũng giống như người tu theo tịnh độ tông, hành giả tịnh độ cầu mong được vãng sanh về Cực Lạc, và cực lạc đích thực của họ nằm ở “duy tâm tịnh độ”, nghĩa là tâm họ an tịnh thì nhìn đâu cũng thấy tịnh độ, “tâm tịnh Phật độ tịnh,” họ có thể sống an vui trong cảnh tịnh độ hằng ngày dù trong lòng đâu đó vẫn còn một ít phiền nảo, đây gọi là “đới nghiệp vãng sanh”

Chúng ta lấy thêm một hình ảnh đẹp mà Sư Ông và trong Kinh thường nhắc đến để diễn tả về niết bàn, đó là Sóng và Nước, Sóng trôi nổi lo buồn vì trên biển cả bao la, nó thấy mình vô thường, có đẹp có xấu, có sanh có diệt, nhưng khi nó hiểu được và tiếp xúc bản chất của nó là nước, vượt trên tất cả những đối đãi nhị nguyên, nó thảnh thơi dạo chơi, lướt trên sóng sanh tử, trong cái vô thường sanh diệt của sóng, nó đã tìm thấy cái bản chất vốn vượt ra tất cả mọi sanh diệt.
Chúng ta cũng như đợt sóng, hình như chúng ta phiền hơn đợt sóng mới phải, chúng ta cũng đối diện với vô thường sanh diệt, và sống với bao tâm hành ngổn ngang với cuộc đời, chưa nói đến bệnh tật, già yếu. Nhưng một điều kỳ diệu là xuyên qua cái thân đầy phiền trược nầy, và cũng chỉ từ nó mà thôi, hành giả lại tìm được cái hạnh phúc đích thực gọi là niết bàn. Sư Ông dạy “thật là dại dột biết chừng nào khi Sóng bỏ mình để tìm nước, vì lìa sóng thì không tìm ra được nước”
Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng

Tôi nhớ một hình ảnh đẹp trong bài hát “Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng” của Phạm Thiên Thư mà Phạm Duy đã phổ nhạc trong Đạo Ca 3. Một chàng dũng sĩ cưởi con Ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thủa của mình. Qua bao năm tháng, vó ngựa đã mòn, áo choàng của người dũng sĩ đã thay mấy lần vì rách nát bỡi gió sương. Cuối cùng anh phải dừng cương ngựa vì trước mắt anh là ngọn hùng phong cao vót, là con sông cuồn cuộn ba đào ngăn lối. Anh xuống ngựa và ngồi lại bên dòng sông, nhìn ngắm vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, giữa lúc ý niệm đi tìm người yêu dấu của anh đã tắt thì chính con ngựa vàngmà anh đã cưởi bao năm tháng, biến mình hóa thành người yêu dấu mà anh đang tìm kiếm, thì ra đôi khi chúng ta đang cưởi trên thực tại mà không biết, có hạnh phúc mà cứ mãi tìm hạnh phúc. Trong tuệ giác “Vô Tác” hay Vô Nguyện, chúng ta đã là cái mà chúng ta đang tìm kiếm.
•        Chim chóc thì muốn trở về với bầu trời tự do
•        Muôn thú thì muốn trở về với núi rừng
•        Người khôn thì trở về với sự an tịnh của nội tâm

Kết

Chúng ta thực tập hằng ngày bằng chánh niệm sâu của mình, khi thở phải thở cùng với tất cả tế bào trong tự thân, làm cho niệm định và tuệ phát sinh và lớn mạnh. Khi đi ta cũng đi bằng tất cả chánh niệm, không vội vàng và ý thức từng bước chân. Mỗi ngày ta thực tập chuyên cần thêm một chút để sự tĩnh thức có mặt với ta thường xuyên hơn, Phật là người tĩnh thức nên làm con Phật mình cũng thực tập như ngài, nhờ vậy nội tâm ta vững mạnh, cho ta tiếp xúc sâu sắc với vạn loài, tâm được an thì làm gì cũng thấy niềm vui, hạnh phúc. Con đường đang mỡ ra trước mắt chúng ta, tôi mời bạn tham dự nhé!

Mùa dịch bệnh 2020,
Tâm Huy
 

Chiều Xuân Bên Nhau

Tôi về thăm Huế đã mấy hôm, công việc gia đình bận rộn làm tôi chỉ quanh quẩn dưới phố. Hôm nay trời đẹp, buổi chiều khá dịu nắng, tôi bắt đầu lên thăm Sư Ông ở Từ Hiếu, nói là thăm Sư Ông cho lớn chuyện chứ đến đây chỉ để cảm nhận sâu sắc hơn sự có mặt của thầy tổ và tăng đoàn, cũng như cùng với các thiền sinh đó đây nuôi dưỡng chánh niệm trong những bước chân thiền hành.
Chaya là tên của một thiền sinh trẻ trong Viet Wakeup Toronto, em đến từ Philipine và sẽ ở lại quanh Từ Hiếu sáu hôm, mong một lần được nhìn thấy và đảnh lễ Sư Ông. Đã bốn hôm trôi qua, em làm thiền sinh của Diệu Trạm, mỗi ngày em đều qua gác chuông, ngồi thiền giữa gió Xuân nhưng chưa một lần may mắn nhìn thấy Thầy. Tôi đến chiều nay một phần vì em, làm như có mình thì Sư Ông sẽ hiện ra trước mắt cho em nhìn; tôi đến chỉ để cùng em hoà điệu trong cái không khí thân thương bên thầy bên bạn, và nếu không nhìn thấy được thầy bằng da thịt thì cũng đã cùng thầy và Tăng đoàn hưởng được hương vị của chiều Xuân, cái không khí mà sự tĩnh lặng giao hòa trong từng tế bào, nuôi dưỡng ta khôn lớn từng ngày.

Tôi đèo Diệu Liên trên chiếc xe máy cũ, đến đồi Dương Xuân Thượng rồi rẽ vào chùa Diệu Trạm, tìm thấy Chaya trên chánh điện. Chaya đang ngồi hàn huyên với một sư cô trẻ Pháp hiệu Thuần Minh, có khuôn mặt hiền và hoạt bát. Chúng tôi chào nhau và nhập cuộc.

Sư cô Thuần Minh đã từng gặp Diệu Liên ở Thái Lan và đã cùng nhau uống trà, nói chuyện từ thiện. Sau khi biết ao ước của Chaya và chúng tôi, Sư cô cầm máy gọi thầy Pháp Huy, một trong những vị thị giả đang chăm sóc Sư Ông. Mặc dù đây là lần đầu tiên tôi gặp sư cô Thuần Minh, vậy mà tôi nghe Sư cô nhắc đến Pháp hiệu của mình qua cuộc đàm thoại. Thầy cho biết lúc nầy Sư Ông đang ngủ, nên chúng tôi không có cơ hội để xin được gặp mặt người.

Tôi được biết Sư cô Thuần Minh là một trong 5 vị thị giả nấu ăn của Sư Ông, tuy biết Sư Ông đang ngủ, Sư cô thị giả vẫn bình tĩnh hẹn chúng tôi dưới lầu, cùng nhau thiền hành đợi Sư Ông thức dậy. Trên thiền lộ, chúng tôi bước những bước chân đầy an lạc, cơn gió Xuân buổi chiều về lay động cả hàng cây, mang theo hương vị tình thầy trò, đậm đà và thanh thoát.

Ở Từ Hiếu, thiền sinh về từ khắp nơi để hưởng không khí chùa tổ, ở đây dù không gặp được Sư Ông, các thiền sinh đều cảm nhận sự gần gủi, sự gắn kết giữa mình và Thầy, giữa mình và con đường đã chọn; mọi người đều hiểu được khi đến đây, trên bình diện tâm thức, ai cũng như đã được gặp Thầy. Chúng tôi ngồi bên hồ trò chuyện, nói về những tháp tổ trong chùa, nói đến công hạnh lớn lao của Thầy, những kỷ niệm giữa mình và Từ Hiếu.

-         thầy ơi! Sư Ông thức dậy chưa?
-         Sư Ông thức rồi
-         Thầy làm ơn “cỏng” Sư Ông dậy đi!
-         Sư Ông đã ngồi trên xe và đang đi quanh thất đây
-         Con qua liền

Chúng tôi vội vàng theo chân Sư cô thị giả, đến bên thất Lắng Nghe, thầy Pháp Huy với khuôn mặt tươi vui chào chúng tôi ở chân cầu thang, nói là chân cầu thang chứ nó vào khoảng 5 bậc cấp, là lối nhỏ đi lên cốc Sư Ông. Thầy dặn chúng tôi đứng sát bên dưới, có quý thầy cô thị giả đứng phía sau, ở đây mọi người sẽ được nhìn Sư Ông khi người được đẩy xe ngang qua. Thật là vui khi gặp lại thầy Pháp Huy, tay bắt mặt mừng, lòng thật cảm kích.

Ở cuối hành lang, hình ảnh Sư Ông xuất hiện, người được thị giả đẩy đi chậm rãi, thần sắc bình an. Chúng tôi nhìn thật rõ hình bóng Thầy. Thầy Pháp Huy ghé tai nói nhỏ với Sư Ông, Người nhìn về phía chúng tôi, đôi mắt sáng quắt. Khi đến trước chánh diện cầu thang, Sư Ông dừng lại và đưa bàn tay ra, cái vẩy tay nhẹ làm xao động cả tinh hà (nói hơi quá), có tiếng thúc dục cuả thị giả, “nhanh lên, Sư Ông gọi”. Tôi theo Diệu Liên và Chaya vượt qua các bậc cấp đến sát bên người, một niềm hạnh phúc và biết ơn tràn dâng, đôi mắt và thần thái Người an tĩnh, hiện diện nhiệm mầu như đóa Hoa Thược Dược của Quách Thoại. Thầy nhìn chúng tôi từ bi, gật đầu khi chúng tôi từ giả. Diệu Liên và Chaya đãnh lễ Người, tôi thì không vì muốn được nhìn người nhiều hơn.

Quý thầy cô nói khi Sư Ông ra dấu bằng cái vẩy tay đó, chúng ta có thể đến bên và đụng vào tay Thầy. Dù chưa hiểu được “thiền ngử” ở đây để được nắm tay Thầy, khoảng khắc đứng bên Thầy, được nhìn rõ khuôn mặt thân thương của Người, biết được Thầy vẫn khỏe, vẫn an lành là những phút giây miên viễn, thiên thâu.

Trước khi từ giả Từ Hiếu, chúng tôi không quên tỏ lòng biết ơn đến sư cô thị giả đáng mến, đến thầy Pháp Huy đầy chân tình. Gió chiều Xuân vẫn thổi nhẹ và hiền hoà, mát mẽ bao tấm lòng, chúng tôi từng bước thiền hành, an lành và hạnh phúc, trong đôi mắt Chaya, chúng tôi nhìn thấy được sự mãn nguyện tuyệt vời.

Chiều xuân bên nhau, tháng 2/2019
CBĐ
 

CON ĐƯỜNG MÙA XUÂN

Đi tìm Thầy

Mùa Hè năm 1989, vợ chồng tôi ghé qua Pháp thăm Thầy, đường về Làng Hồng xa lạ nhưng cũng mang nhiều thú vị. Sau một thời gian chuyển tiếp, tàu dừng lại ở trạm cuối cùng. Xuống xe lửa ở St. Foy La Grande, chúng tôi được Chị Chân Đức (Alabel Laity) ra đón; trong Làng bây giờ đang thời gian làm biếng nên chỉ còn mình Chị. Chúng tôi chào hỏi thân thiện như đã quen nhau tự thuở nào và cùng lên xe về Làng. Đường hai bên đẹp và thanh tịnh, những cánh đồng với những cuộn cỏ khô lăn dài như một dấu tích của đồng quê, mùi thơm của cây cỏ bên đường và mùi nắng cháy làm cho chúng tôi thấy thích thú, lâu lắm rồi chúng tôi mới thở được mùi hương của đồng nội.

Tôi sinh ra ở Huế, được xông ướp ít nhiều hương trầm của xứ nầy. Năm 13 tuổi đi sinh hoạt gia đình Phật tử An Lăng, cũng từ đó tôi có cơ hội gần gũi và học hỏi với quý thầy cô ở Huế; cảm thấy đạo Phật đối với mình như hơi thở, như mặt trời, thật khó phân ly.

Hôm tôi về thư viện Từ Đàm thăm thầy Từ Phong, trong lúc đợi Thầy, tôi vô tình đọc được bài “vấn đề giải thoát” trong tạp chí Hải Triều Âm. Bài viết làm tâm tôi chấn động, đưa mắt tìm tác giả, tôi thấy có hai chữ vỏn vẹn ở cuối trang “Nhất Hạnh”.

Tôi hỏi thầy Từ Phong về tác giả bài viết. Thầy mỉm cười thật vui và với phong cách phóng khoáng, Thầy vừa trả lời vừa kể chuyện: “Thầy Nhất Hạnh đang ở Pháp. Thầy có khuôn mặt xấu kỳ lạ, nhưng Thầy lại thông minh tuyệt đỉnh. Trước đây Thầy tu ở Từ Hiếu, lúc còn làm chú tiểu, Thầy phải đi giữ bò cho chùa. Một hôm quý Thầy lớn có Phật sự phải ra ngoài, không ai tụng kinh hôm đó. Thầy Nhất Hạnh xin lên chùa tụng thế và Thầy đã làm mọi người kinh ngạc khi có thể tụng làu làu cả cuốn Thủ Lăng Nghiêm mà không cần nhìn Kinh bản. Từ đó Sư Tổ không cho Thầy giữ bò nữa, và được nuôi dưỡng trong môi trường học tập…”. Sau nầy khi hiểu rõ hơn, tôi biết câu chuyện trên chỉ đúng một phần. Thầy có khuôn mặt tinh anh của một thiền sư với hai mắt sáng, có lẽ khuôn mặt “xấu kỳ lạ” mà thầy Từ Phong đưa vào là để làm nổi bật sự thông minh chăng? Tôi vui vì biết tác giả bài viết vẫn còn đó, nhưng buồn vì không có đủ nhân duyên để tiếp cận mà học hỏi.

Chúng tôi định cư tại Canada vào năm 1982, thành phố Sudbury mà chúng tôi đến không có một sinh hoạt Phật giáo nào; mùa đông ở đây dài lê thê với tuyết trắng phủ đầy. Tôi được ôn Mãn Giác ở Mỹ mách cho nên đánh liều viết thư về Làng Hồng, trước mạo muội thăm hỏi sức khỏe Thầy, sau thỉnh một số sách để tự tu học. Niềm vui khôn xiết khi tôi nhận được một số sách và lá thư sách tấn từ Sư cô Chân Không: 

15 Jan, 1985

Tâm Huy em,

Đời sống ở hải ngoại khó khăn, chị lạy Phật cho em thấy được niềm an lạc. Chị rất mừng thấy em biết sử dụng những lời dạy trong sách thầy để lấy lại quân bình nơi xứ lạ. Mùa Thu 1985 thầy sẽ sang Canada dạy 1 khoá tu học 7 ngày ở vùng Montréal hay đâu đó chị chưa rõ vì người tổ chức còn đang tìm chỗ. Chị biết chỗ em ở khá xa nên không dám rủ em, chứ chị cũng thích gặp em vì các anh chị ban tổ chức có mời chị sang phụ với họ tổ chức.

Tháng Mười chắc em đi học mất rồi. Bây giờ chị trả lời những câu hỏi của em nghe. Chị không phải là người Huế và có thương Huế nhiều vì đã đi dạy ở đó 3 năm. Tuy rằng mỗi năm chị ‘bay’ ra dạy có 4 lần và đi chấm thi 1 lần, vị chi là 5 lần, mỗi lần 1 tuần lễ nhưng chị sống thật đậm những ngày ở đó. Chị dạy Khoa Học ở Đại Học Khoa Học năm 1964, 1965 và 1966, tuy trường có cho phòng rất sang để ở nhưng chị chỉ ở các chùa trên núi như Từ Hiếu … nên vui lắm. Được nghe tiếng đọc kinh làm ràm mỗi sáng của các chú điệu, được hơ tay trên bếp lửa mỗi sáng lạnh, được đi thăm các bệnh viện, ở đêm với 1 bà cụ nghèo bệnh và nghe kể chuyện về sự hy sinh của dân Huế cho người nghèo khổ lụt lội v.v... đã từng đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, ăn cơm chay các chùa, ăn mắm cà chùa Linh Quang, trái bùi chùa Từ Hiếu, ăn bắp ngọt chùa Cồn Hến, uống trà chùa Ba La, hầu các sư bà đài các chùa Diệu Nghiêm, đi cứu trợ đồng bào nạn lụt với qúy sư bà sư cô …

Bây giờ chị ‘hưu trí non’ đi làm chuyện không công cho thiên hạ là lo cho trẻ em đói tại các nước thứ ba và tại quê nhà, em có biết gia đình nào rất rất đói gạo thì cho chị biết. Hiện giờ chị cư trú tại Làng Hồng, phụ với anh Cả Làng đủ thứ việc. Thầy N.H. thì ở sơn cốc cách làng 100 cây số, thầy cũng trồng trọt như ở Làng nhưng đủ thầy ăn thôi, còn tụi nầy trồng bán để tự túc và xây dựng thêm làng. Chị thấy em đọc sách thầy kỹ nên lại gửi cho em thêm vài cuốn nữa, khi nào có tiền em trả cũng được. Nếu đang ‘kẹt’ tài chánh thì cũng đừng ngượng, cứ để đấy, khi nào có thì trả cũng không sao. Rất tiếc em ở xa quá chứ nếu em sang đây được 1 mùa hè 1 tháng thì sẽ gặp nhiều bạn đồng tâm, có thể hợp tác làm việc lớn lợi lạc cho mình và dân tộc lắm đó em.

Thương em
Chị Chơn Không


Sống bên Thầy

Xe vừa đến làng, chúng tôi được anh bác sĩ Hoàng đưa về chỗ ở; chúng tôi biết lúc nầy không có Thầy ở đây, nên thong thả sinh hoạt với hương đồng cỏ dại, không khí ở đây trong lành và cuộc sống thanh bình êm ả. Sau hai ngày ở chơi, lúc đang nghỉ trưa, quý Sư Cô báo Thầy đã về và chúng tôi sẽ được gặp Thầy tại quán Ô Mai. Đó là lần đầu tiên được ngồi bên Thầy, được sinh hoạt cùng quý sư cô Chân Không, sư cô Chân Vị, sư cô Huệ Hảo, sư cô Thanh Lương và anh bác sĩ Hoàng, bây giờ là thầy Pháp Lữ, đã ghi lại những kỷ niệm khó quên. Tôi còn nhớ lời nói của sư cô Chân Không sau khi nghe chúng tôi giới thiệu về mình: “à thì ra em là Tâm Huy ở Canada, đọc thư em chị cứ nghĩ em là một tu sĩ trẻ hai mươi mấy tuổi, không ngờ em đã có gia đình”. Những ngày kế tiếp là những ngày hạnh phúc, chúng tôi được ăn cơm chung với Thầy, quý Sư Cô và anh bác sĩ Hoàng. Một hôm sau giờ cơm chiều Thầy bảo: “ngày mai quý sư cô làm món ‘xuân quyện’ đãi khách nhé”. Món ‘Xuân Quyện” là món gỏi cuốn, cuốn tất cả những ngọn rau thơm của mùa Xuân, rất ngon! 

Một hôm khác, sau giờ trưa, Thầy nhìn tôi nói: “con có muốn thì vào phòng chơi với Thầy” rồi nhìn qua Diệu Liên (bà xã tôi) Thầy nói: “con qua văn phòng từ thiện chơi với sư cô Chân Không cho vui”. Vậy là trưa hôm đó hai vợ chồng tôi mỗi người đi mỗi ngả.

Diệu Liên kể lại văn phòng của sư cô Chơn Không cất giữ vài chục ngàn hồ sơ từ thiện như học bổng giúp học sinh, thuốc Tây giúp tu sĩ và bệnh nhân nghèo tại Việt Nam …. các hình ảnh, sách báo về hoạt động của Đoàn Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội … Diệu Liên rất cảm kích công việc nầy nên lấy trong túi ra 200 Usd, cúng dường quỹ từ thiện của Sư Cô. Nhưng Sư Cô không nhận và dạy: “em đóng góp 200$ thì chỉ có 200$ giúp người nghèo, nhưng nếu em đem tư tưởng nầy, việc làm nầy về thực hiện tại thành phố em ở, thì 200$ của em sẽ trở thành 2,000$ hay 20,000$. Chị đã lớn tuổi, có nhiều lúc bị bệnh, chị sợ chết không ai lo cho trẻ em đói và đồng bào nghèo tại Việt Nam. Thầy dạy chị là không cần sợ chết mà cần huấn luyện người trẻ làm các công việc chị đang làm”.

Diệu Liên nghe Sư Cô trình bày, trong lòng thầm cười vì bản thân không biết gì về từ thiện. Những năm tháng ở Huế, tôi thường phụ giúp những việc từ thiện với bác Siêu, thầy Từ Phong, sư cô Minh Tú. Có lúc cùng các anh chị Gia Đình Phật Tử đi bán bánh mì đêm để gây quỹ từ thiện, nên khi nghe Diệu Liên nói, tôi khuyến khích Diệu Liên nên làm và sẵn sàng giới thiệu những nơi tôi biết. Vậy là chúng tôi bắt đầu liên lạc với thầy Hải Ấn, sư cô Trí Hải, sư cô Như Minh, sư cô Minh Tú, bác Siêu … v.v để làm những công tác từ thiện đầu tiên tại Việt Nam.

Đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm

Căn phòng của Thầy thật đơn giản, tấm ván được kê bằng những viên gạch làm chỗ ngủ, chiếc bàn để làm việc, và một kệ sách nhỏ.  Thầy đi thẳng đến bàn giấy tờ, tôi ngồi trên sàn nhà đọc sách. Thầy trò không nói với nhau lời nào. Ở bên Thầy tôi cảm nhận được năng lượng trầm tĩnh và an ổn rất lớn, năng lượng nầy làm cho mình thấy ấm áp, không có những lời xã giao thăm hỏi nhưng lại thấy gần gũi và đầy hạnh phúc. Ngôn ngữ lúc nầy thật thừa thãi và nếu có, chỉ là một trở ngại lớn phá tan đi cái không gian tĩnh mịch đầy thiền vị nầy. Xế chiều, Thầy đưa chúng tôi vào rừng, Thầy dạy thiền ôm cây và thở với rừng cây. Ôm cây để thấy mình và cây cũng như mình và vũ trụ là một, ôm để biết ơn, để nhìn thật sâu về thực tướng của tương tức. Ngồi bên ngoài lan can thất của Thầy, uống trà, thả hai chân xuống đu đưa như ngồi bên bờ sông vọc nước. Thầy kể rằng “khi Thầy đi dạy xa thì ở nhà các thiền sinh xây tặng Thầy cái thất này, thất này sang và rộng quá, Thầy sẽ ngăn ra cho thuê bớt”. Nói xong Thầy tủm tỉm cười hiền. Lại thêm một chiều về, sau bữa cơm, chúng tôi ngồi lại với nhau dưới khóm trúc, uống trà, hát những bản thiền ca với hoàng hôn ở xóm Hạ, trời xế chiều mát và không gian thật rộng, tiếng hát lời ca vang thật xa.

Chúng tôi có những ngày sống hạnh phúc bên Thầy, học đi thiền hành chánh niệm, đem tâm về với hơi thở và bước chân để tâm có được sự tĩnh lặng, ngồi thở thật yên bên Thầy và hưởng năng lượng an lạc của Thầy, ăn cơm im lặng để thấy mình may mắn, thấy sự quý giá của thức ăn và sự liên hệ mật thiết của mình và vũ trụ. Sống bên Thầy chỉ một tuần lễ, chúng tôi cảm được niềm an lạc của tự thân, cái học Phật ngày xưa hôm nay mới thấy được bản chất chính thống của nó, ngôn từ để truyền đạt không còn chỗ đứng trong tôi. Tôi hiểu thêm bản chất của sự tĩnh lặng, tôi bắt đầu có niềm tin lớn về con đường mà mình đã tận tụy đi theo trong những năm tháng qua.

Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời
Diệu Liên viết

 
Trở lại Canada, tôi (Diệu Liên) bắt đầu gom góp tịnh tài từ gia đình và các thân hữu gửi về Việt Nam giúp người khốn khó. Số tiền rất ít, có lúc được vài chục đồng, vài trăm đồng. Những năm sau đó thì số tịnh tài quyên góp cũng lên được vài ngàn đồng, rồi cùng quý bác trong Tăng thân ở Toronto tổ chức cơm chay gây quỹ thu về được số tiền khá lớn.

Năm 1994, chúng tôi thực hiện 1 chuyến về Việt Nam, sáu tháng học hỏi phương pháp làm công tác từ thiện, sáu tháng còn lại về Làng Hồng thăm Thầy và tu học. Khi trở lại Canada, chồng tôi đã cùng quý bác và các anh chị tích cực xây dựng tăng thân cho người Việt và người nói tiếng Anh. Còn tôi đam mê công việc từ thiện, nên năm 2000 tôi xin nghỉ việc làm để dành toàn thời gian xây dựng một chương trình từ thiện lấy tên Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời (MTNCĐ - Eyes of Compassion Relief Organization), 

Thầy vẫn còn mãi

Theo dấu chân Thầy, tôi trải lòng mình bằng con đường từ thiện. Tôi nghĩ đạo Bụt là đạo dấn thân nên ở trên bình diện nào mình cũng thể hiện được tinh thần nầy. Tôi thấy làm từ thiện thì phải tu thật vững chãi, và phải thực tập để phát khởi lòng từ bi. Nhờ công tác từ thiện, tôi có cơ hội đi nhiều nơi trên quê hương thân yêu, đến gần các mảnh đời bất hạnh, thấy rõ nỗi khổ niềm đau của kiếp người. Những năm đầu, tiếp xúc những năng lượng bế tắc, tuyệt vọng, đau đớn của bà con nghèo nhiều lần làm tôi muốn ngã quỵ. Trong trường hợp đó, để gượng đứng lên, tôi phải trở về bám lấy hơi thở, trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi cũng quán tưởng bao nỗi thăng trầm, bao điều thảm khốc trong cuộc đời phụng sự của Thầy, của Ngài Hư Vân … quán chiếu tâm dũng mạnh phi thường của vua Trần Nhân Tông, của Bụt, đã vượt thắng thử thách, phá bỏ ngã chấp, và thấy rằng những gì mình đang “nếm phải” cũng chỉ là một trở ngại nhỏ để nuôi dưỡng và làm thêm vững mạnh con đường.

Mỗi năm tôi sống một thời gian ở Việt Nam, làm việc với thiện nguyện viên, để hiểu và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Chúng tôi thiết lập tình “huynh đệ” dễ dàng vì anh em đều là thiện nguyện viên, trải lòng với đời, muốn làm một chút gì đó cho những người khốn khổ.

Tiếp xúc và thường xuyên thực tập hơi thở chánh niệm giúp tôi có nhiều chuyển hóa. Không những vượt qua sự mất thăng bằng của tâm, mà còn phát sinh ra một năng lượng vững chãi, hạnh phúc, rất ư ngọt ngào và ấm áp, khó diễn tả bằng lời. Khả năng tiếp xúc với năng lượng tích cực trong thế giới chao đảo là khả năng có thật, đúng như câu bút pháp của Thầy: “liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ”, hơi thở tuy nhẹ và mỏng manh mà có khả năng chuyển hoá khổ đau thành an lạc trong từng giây từng phút.

Những lúc chúng tôi tiếp cận và chăm sóc đồng bào, tự thân cảm nhận như chúng tôi là hiện thân của Thầy, là cánh tay của Thầy đang nâng niu và hiến tặng. Tình thương của Thầy, sư cô Chơn Không rất lớn, khi nào cũng trải khắp mọi nơi. Tôi thấy trong tôi có Thầy, sự sống, năng lượng yêu thương và từ bi của Thầy mãi mãi còn đó.

Những ngày đầu Xuân 2012,
Chân Bồ Đề,
Chân Thường Hỷ
 

Bảo Vệ Sự Sống

Mùa Xuân đầy nắng ấm và những cơn gió chiều về thật mát, chỉ cần nhìn những hạt nắng vung vãi khắp sân vườn là lòng tôi rộn ràng. Tôi thấy Nắng cuối Xuân về như đánh thức những tế bào đang ngủ trong tôi, làm sự sống có mặt nhiều hơn so với những ngày đông giá. Năm nay trong sân sau nhà, chúng tôi đón về một gia đình cô chú chim Robin, lông màu cam thật đẹp, xen lẫn màu đen tuyền từ cổ trở lên. Không hiểu sao Cô Chú lại về đây và chúng tôi đã có nhiều niềm vui trong ngôi vườn nhỏ nầy.

Cách đây mấy tuần, khi băng qua sân nhà sau, tôi để ý đến tiếng chim kêu hoảng hốt và sợ hải. Tôi nghĩ nó đang ở trạng thái bất an, hình như nó không muốn tôi đi ngang qua khu vườn nầy nên mỗi lần như vậy, tiếng kêu của nó càng ngày càng làm tôi chú ý.

Tôi tìm ra được nguyên nhân sợ hãi của Chim khi thấy trên tấm gỗ của giàn mồng tơi năm trước, nay đã gãy quặp vì những cơn gió lớn vừa qua, một tổ chim làm vội vàng và đơn sơ nằm chễm chệ. Nhìn qua cửa sổ từ bàn làm việc, thỉnh thoảng tôi thấy chị Chim bay về nằm ở đó, và nằm rất lâu.

Một chiều trời đầy mưa, sau giờ làm, tôi trở về nhà bằng sân sau như mọi khi, và cũng nghe tiếng chim kêu thảnh thót. Tôi vào nhà kiếm một tấm cạt-tông, vài sợi giây thép, bắt một cái thang nhỏ, leo lên làm một mái che cho tổ chim. Tôi thấy nằm vỏn vẹn trong chiếc tổ nhỏ xíu là bốn cái trứng màu xanh ngọc, rất đẹp và dễ thương, vẫn còn lấm tấm những hạt mưa chiều đọng trên đó. Từ khi có mưa, chim mẹ đã không thể nằm trong tổ để ấp trứng, cứ bay quanh mà không biết phải làm sao! Khi tôi làm xong mái che, vừa bước vào nhà, qua khung cửa sổ, tôi thấy chim mẹ bay sà xuống và nằm vào tổ một cách ấm áp.

Kể từ ngày tôi làm mái che cho tổ chim, thay vì làm Chim thêm sợ vì có người “dòm ngó” đến tổ ấm của mình, Chim lại tỏ ra có niềm tin hơn trong ngôi vườn nhỏ nầy; những chiều tôi về với tiếng kẹt cửa chỉ làm cho Chim bay ra khỏi tổ, chim không còn kêu than khi tôi đi ngang ngôi vườn “của nó”; không còn sợ hãi như những ngày trước đây, hình như nó cảm nhận được một phần nào tình thương mà tôi dành cho gia đình nó.

Đón nhận vài cơn mưa, tấm cạt-tông đầy nước nặng trĩu, tôi bắt thang làm lại một mái che khác tốt hơn. Tôi kinh ngạc như Chim biết được sự săn sóc của mình, từ đó mỗi lần tôi về hoặc ra sân vườn sau làm việc, Chim vẫn nằm yên ấp trứng, khung cảnh dễ thương và hoà bình trong khu vườn nhỏ nhà tôi, cho tôi nhiều nụ cười và sự an ổn.

Hai cô chú Chim Robin làm việc thật giỏi và có hòa hợp. Cô Chim có thân hình lớn hơn, lo ấp trứng mỗi ngày, trong khi chú Chim, có thân hình nhỏ nhắn, đứng trên mái hiên canh giữ, bảo vệ tổ ấm của mình bằng cách đuổi những chú Se Sẽ đi khỏi khu vực mà nó đang kiểm soát.

Ba hôm trước đây, lần đầu tiên tôi thấy chim đực bay xuống tổ và đứng chơi cùng chim cái, và đó cũng là ngày chim con vừa mới chào đời. Chúng đứng hai bên tổ trong khi những chiếc mỏ nhỏ xíu nhô ra bắt đầu đòi ăn. Từ đó, Chị Chim và Chú Chim thay phiên nhau đi kiếm mồi tất bật cho con, khi nào có mặt Chú Chim thì Chị Chim bay khỏi tổ, khi nào Chị Chim cho con ăn thì Chú Chim lại đi tìm mồi. Mặc dù chỉ làm chim muôn nhưng chúng quá dễ thương và hiểu biết, biết bảo vệ cho nhau, biết giúp đỡ nhau trong lúc cần thiết và làm việc một cách hài hòa.

Câu chuyện về Cô Chú Robin thật nhỏ nhặt nhưng lại đem đến cho vợ chồng tôi rất nhiều niềm vui. Một người bạn vui miệng nói “mình đang ở cõi Tịnh Độ, thật hòa bình!”. Thầy Pháp Không nhìn qua cửa sổ bàn làm việc cũng nói như vậy.

Rồi đây khi chim con khôn lớn, chúng sẽ theo mẹ bay khỏi khu vườn nhỏ nơi mà chúng được ra đời (hatched), xa bay thảnh thơi trong không gian tự do của mình. Riêng tôi, cám ơn những ngày tháng dễ thương và thanh bình mà Chim mang đến cho tôi, cám ơn bài học hạnh phúc mà Chim đã dạy cho con người, và mong một ngày nào đó, chúng trở lại khu vườn cũ, cũng vào những ngày đầu Xuân

Mùa Xuân 2012
CBĐ

Bodhidharma

VÀI CẢM NGHỈ VỀ
HOA THƯỢC DƯỢC - Quách Thoại

Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mĩm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thu
Ta sụp lạy cúi đầu

Tăng Thân Bồ Đề